Cắm "lá chắn" tuyến biên giới
Đắk Nông có đường biên giới dài khoảng 141 km tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Trong nhiều năm qua, tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội khu vực biên giới luôn được giữ vững, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước nói chung và hai tỉnh Đắk Nông - Mondulkiri nói riêng.
|
BĐBP Đăk Nông phát tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân |
Những năm gần đây, công tác phân giới cắm mốc đoạn biên giới giữa hai tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
BĐBP tỉnh Đắk Nông đã xây dựng hoàn thành 8 vị trí với 16 cột mốc chính; 89 vị trí với 168 cột mốc phụ, 11 cọc dấu; xác định được 48 tâm cồn bãi trên sông, suối; 9 điểm đặc trưng và đã phân giới được 117 km đường biên giới (tương đương với gần 83% chiều dài đường biên giới giữa hai tỉnh Đắk Nông -Mondulkiri).
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lư, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đắk Nông cho biết: “Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh Đắk Nông luôn là “lá chắn thép” nơi “phên giậu” của Tổ quốc. Trong điều kiện, hoàn cảnh nào, những người lính biên phòng luôn xử lý mọi tình hình, vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới, cửa khẩu một cách thấu đáo, thuận lòng dân và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua biên giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh”.
Bên cạnh đó, tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới được 7.797 tổ/4.978 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; làm thủ tục nhập cảnh cho 275 lượt phương tiện/22.360 lượt người; xuất cảnh 175 lượt phương tiện/16.916 lượt người. Quản lý chặt chẽ người, phương tiện qua lại hai cửa khẩu Đắk Peur và Bu Prăng, cùng y tế địa phương phun thuốc khử khuẩn tại khu vực cửa khẩu tuần 2 lần, thực hiện khai báo trước lúc làm thủ tục xuất nhập cảnh. Duy trì 26 tổ chốt/234 đồng chí và 12 chốt lưu động thường xuyên tuần tra kiểm soát các khu vực đường mòn, lối mở, quản lý chặt chẽ không để vượt biên xâm nhập trái phép. Phối hợp với địa phương và các lực lượng thành lập 02 tổ chốt trên địa bàn huyện Đắk Mil để kiểm soát người, phương tiện.
Điển hình tại Đồn Biên phòng Tuy Đức, xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức. Cán bộ, chiến sỹ nơi đây luôn bám trụ biên giới, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ từng cột mốc, đường biên thiêng liêng của Tổ quốc. Luôn kiên trì bám địa bàn, vận động bà con tham gia bảo vệ biên giới, củng cố, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Tuy đơn vị đóng quân trên địa bàn xa xôi, xa khu dân cư, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đơn vị luôn chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội; triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, xây dựng đơn vị nề nếp chính quy và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ, chiến sỹ đơn vị luôn nắm chắc tình hình địa bàn, duy trì thường xuyên việc tuần tra biên giới, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn.
Điểm sáng về "mô hình” an sinh xã hội
Song song với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã chủ động có nhiều sáng kiến tham gia vào các hoạt động xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều mô hình và chương trình dân sinh, xóa đói giảm nghèo đã được hình thành và nhân rộng phổ biến trên địa bàn biên giới.
|
Biên phòng Đắk Nông giúp dân thu hoạch |
Nhất là, BĐBP tỉnh Đắk Nông triển khai chương trình “xây nhà tình nghĩa” và dự án “Biên cương xanh” nhằm hỗ trợ gia đình quân nhân trong đơn vị và người dân khó khăn. Chương trình “Nâng bước em tới trường” từ năm 2016 đến nay gồm 62 em (nội biên 50 em), tính đến tháng 02/2021 đã hỗ trợ 1 tỷ 748 triệu đồng. Triển khai mô hình “Tiết học vùng biên”, “Tay kéo Biên phòng”, “Địa bàn không có ma túy”; mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” nhận 04 cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; mô hình “Trạm quân dân y kết hợp”, triển khai 03 trạm quân dân y kết hợp; mô hình “bò giống giúp người nghèo biên giới” do Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh hỗ trợ trị giá 2,5 tỷ đồng, gồm 100 con, cho 87 hộ dân và 13 đơn vị cơ sở; tham gia có hiệu quả các mô hình: “Nuôi bò sinh sản”, “Gà lai”, “cá nước ngọt”, “Dê sinh sản”, “heo giống” do các đồn biên phòng đầu tư trị giá trên 100 triệu đồng.
Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức giảng dạy tiết học vùng biên cho học sinh trên địa bàn. Thông qua tiết học, học sinh vùng biên đã hểu biết hơn về tỉnh biên giới, huyện biên giới và xã biên giới.
|
Tiết học biên cương tại huyện Tuy Đức |
Đồng thời, nhiều cách làm hay nhằm mục đích phát triển dân sinh được triển khai. Điển hình là các công trình dân sinh: Dự án phát triển khu dân cư cánh đồng Đắk Huýt gắn với đồn biên phòng 769 (Đồn Biên phòng Đắk Dang); dự án phát triển khu dân cư tái lập bon Bu Prăng 1, Bu Prăng 2 xã Quảng Trực/huyện Tuy Đức; dự án làng thanh niên lập nghiệp tại xã Quảng Trực/huyện Tuy Đức; dự án làm đường tuần tra biên giới; dự án đường vào Đồn 753, 761; dự án kéo điện vào Đồn 751, 753, kéo điện vào Đồn 755, 757, 759 kết hợp với khu dân cư, kéo điện vào đồn 767, 769, 771, 775 kết hợp với khu dân cư tổng giá trị hàng nghìn tỉ đồng. Xây dựng “Công trình nước ngọt vùng biên” do Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc” tặng nhân dân xã Thuận An trị giá 500 triệu đồng.
Nhờ vào sự nỗ lực tìm tòi, sáng kiến của cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh Đắk Nông đã giúp cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, gắn bó mật thiết. Qua đó tạo niềm tin vững chắc và là chỗ dựa cần thiết cho nhân dân tin tưởng vào những chiến sỹ mang quân hàm xanh, góp phần bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân, cũng như bảo vệ biên cương Tổ quốc.