UBND tỉnh Bình Định vừa có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về kết quả điều tra, xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép năm 2022.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra 5 tàu cá/30 lao động bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ; 2 tàu cá/10 lao động bị lực lượng chức năng Malaysia kiểm soát, lấy tài sản rồi thả trên biển.
Ngay sau khi nhận được các thông tin về các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, UBND tỉnh Bình Định đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, lực lượng kiểm soát, bắt giữ, danh tính thuyền viên trên tàu cá và mở hồ sơ theo dõi, xử lý.
Trong 7 tàu cá, hiện nay có 5 tàu cá/30 lao động đang bị cơ quan nước ngoài giam giữ, chưa thả về địa phương nên chưa lập hồ sơ xử lý.
Qua điều tra, xác minh các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, lực lượng chức năng chưa phát hiện cá nhân, tổ chức trên địa bàn của tỉnh môi giới đưa tàu cá Bình Định ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường các lực lượng chấp pháp trên các vùng biển chồng lấn để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa tàu cá Việt Nam có dấu hiệu xâm phạm vùng biển nước ngoài (kể cả sử dụng UAV tăng cường tuần tra phát hiện trên vùng biển xa) và kịp thời thông báo cho địa phương quản lý tàu cá.
Các trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm vào các khu vực đã được cảnh báo cấm, đề nghị các lực lượng chức năng lập biên bản, bàn giao đầy đủ hồ sơ, tang vật vi phạm và chuyển hồ sơ cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có tàu cá thường xuyên neo đậu để hành nghề khai thác thủy sản hoặc nơi tàu cá làm thủ tục xuất bến làm căn cứ để hoàn chỉnh hồ sơ xử lý theo quy định.
Đối với các tàu cá Bình Định lâu ngày không về địa phương, đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Sở NN&PTNT nơi tàu cá lưu trú tăng cường công tác tuyên truyền vận động chủ tàu, thuyền trưởng cam kết khi khai thác thủy sản không vi phạm các quy định về IUU; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm; khi tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ chủ trì, phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, lực lượng kiểm soát, bắt giữ, danh tính thuyền viên trên tàu cá và mở hồ sơ theo dõi, báo cáo Tổng cục Thủy sản hoặc UBND tỉnh nơi tàu cá lưu trú để ra quyết định xử phạt.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh phía Nam tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, xác minh, xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây tổ chức môi giới đưa tàu cá ra nước ngoài để khai thác hải sản trái phép.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành chức năng đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chủ tàu cá, ngư dân làm bản cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; hỗ trợ lắp thiết bị giám sát hành trình; duy trì và kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; tổ chức tuần tra, kiểm soát các vùng biển được phân công quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm IUU, kiên quyết xử lý các tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 24 tàu cá với số tiền 21,640 tỷ đồng, tịch thu 2 tàu cá bán sung vào công quỹ Nhà nước 318 triệu đồng.
Tuy nhiên, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài không giảm (thống kê từ năm 2018 đến nay cho thấy, hầu hết các tàu cá vi phạm chủ quyền nước ngoài có chiều dài dưới 15m, hoạt động khai thác ở vùng lộng và nhiều năm không về địa phương), ảnh hưởng rất lớn đến việc khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.