Ngày 25/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có công điện khẩn số 11 về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo công điện, tính từ ngày 29/6 - 25/8, tỉnh Bình Định đã phát hiện 591 ca mắc COVID-19 tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 374 ca đã điều trị khỏi, 6 ca tử vong, 211 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện khá tốt; các cấp, các ngành đã quyết tâm, nỗ lực, cố gắng thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở có thời điểm còn chưa sâu sát, chưa kịp thời, vẫn còn chủ quan, lơ là, lúng túng trong công tác phòng, chống dịch; còn có trình trạng nể nang, né tránh, không kịp thời ban hành các quyết định xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, không quản lý chặt các phòng khám tư nhân, nhà thuốc nên không kịp thời theo dõi thông tin các đối tượng có triệu chứng ho, sốt, cảm, đau họng, khó thở tự ý mua thuốc để triển khai nhanh, hiệu quả các biện pháp sàng lọc, xác định đối tượng có nguy cơ, nguy cơ cao.
Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương chưa được hiệu quả; có biểu hiện phòng, chống dịch “chặt ngoài, lỏng trong”.
Đặc biệt, một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan, chưa tự giác khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực; gặp gỡ, tụ tập đông người, không thực hiện nghiêm việc cách ly người với người, nhà với nhà theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến một số địa phương liên tục xuất hiện các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.
Một số địa phương chưa chủ động chuẩn bị và triển khai phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức triển khai còn thiếu kiên quyết, chưa đồng bộ; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện phòng, chống dịch có nơi còn yếu; còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên; việc chấp hành giãn cách xã hội của người dân tại một số địa phương chưa nghiêm, làm lây lan dịch bệnh; thực hiện xét nghiệm sàng lọc còn sót đối tượng.
|
Một chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở Bình Định. |
Để công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đạt được hiệu quả cao hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục kéo dài việc thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 14/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến khi có thông báo mới của UBND tỉnh (trừ các địa phương đang thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm về tác hại và sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19; qua đó, vận động, hướng dẫn, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Thực hiện xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, phong tỏa, giãn cách xã hội, gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
UBND huyện Phù Cát, UBND thị xã An Nhơn chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp để phong tỏa toàn diện, giãn cách xã hội đối với phường Đập Đá và các xã Cát Tường, Cát Tiến, Cát Hưng, Cát Thắng, Cát Hải theo quyết định của UBND tỉnh.
UBND thị xã An Nhơn, các huyện Phù Cát, Tuy Phước chủ trì, phối hợp với Sở Y tế lập kế hoạch, tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho người dân tại các ổ dịch trên địa bàn, với tinh thần chính xác, nhanh, hiệu quả, kịp thời phát hiện các ca bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch…