Thu hút được 114 dự án
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định thu hút được 3 dự án (DA) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 8,93 triệu USD; so với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đầu tư giảm đến 79,4%. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này đã được cảnh báo trước, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô DA hiện có của nhà đầu tư nước ngoài.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 82 DA có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 975,34 triệu USD. Trong đó, có 34 DA trong khu kinh tế và khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 742,16 triệu USD; 48 DA ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 233,18 triệu USD. Riêng tháng 10, thu hút mới 2 DA, với tổng vốn đầu tư 8,5 triệu USD.
Đến cuối tháng 10, toàn tỉnh Bình Định thu hút được 111 DA đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 19.339 tỷ đồng (ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp: 77 DA với tổng vốn đầu tư 10.714 tỷ đồng; trong khu kinh tế, khu công nghiệp: 34 DA với tổng vốn đầu tư trên 8.625 tỷ đồng); so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 15,49% về số lượng DA nhưng giảm 9,34% về tổng vốn đầu tư.
Một số DA nổi bật mà tỉnh thu hút được trong 10 tháng đầu năm, gồm: DA công trình khách sạn cao cấp tại lô đất số 1 Ngô Mây (TP Quy Nhơn) của Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Ngô Mây, tổng vốn đầu tư 1.815,64 tỷ đồng; DA Khu du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe Hội Vân của Công ty Cổ phần Trường Thành Bình Định, với tổng vốn đầu tư 629,92 tỷ đồng;
Ngoài ra còn có DA Khu trung tâm dịch vụ kho bãi cảng Thị Nại và khu chế biến thủy sản của Công ty Cổ phần Cảng Thị Nại, tổng vốn đầu tư 887 tỷ đồng; Nhà máy chăn nuôi, sản xuất và xuất khẩu thịt, giống gia cầm công nghệ cao 4.0 của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, tổng vốn đầu tư 537 tỷ đồng; DA xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Nhơn Tân của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Hiếu, tổng vốn đầu tư 104,54 tỷ đồng; DA Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học rắn Hoài Nhơn của Công ty TNHH Năng lượng xanh Hà Tiên, với tổng vốn đầu tư 148,8 tỷ đồng…
Lễ khởi công Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. |
Động lực thúc đẩy kinh tế “bứt phá”
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, vừa qua, Công ty Cổ phần Becamex Bình Định tổ chức lễ khởi công Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh); Công viên Sáng tạo TMA Bình Định chính thức khai trương tại Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa (TP Quy Nhơn); khởi công DA Greenhill Village Quy Nhơn tại tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu (thuộc địa phận phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng… Các sự kiện này được xem là bước ngoặt quan trọng mở ra triển vọng lớn trong việc tạo động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh Bình Định phát triển.
Trong 10 tháng đầu năm, công nghiệp - xây dựng vẫn là lĩnh vực được các nhà đầu tư ưu tiên đầu tư, chiếm tỷ trọng cao nhất với 52% so với các lĩnh vực đầu tư khác. Nông - lâm - thủy sản là lĩnh vực đặc thù của tỉnh, do đó tỷ trọng đầu tư đạt 32%. Do tác động của dịch bệnh nên lĩnh vực du lịch - thương mại chịu nhiều tác động nhất, chỉ chiếm 16%.
Không xét đến địa bàn trong khu kinh tế, khu công nghiệp với 25 DA thì thị xã An Nhơn là địa bàn thu hút nhiều DA đầu tư nhất, với tổng số DA thu hút được là 18. Tiếp đó, các địa bàn có nhiều DA đầu tư lần lượt là TP Quy Nhơn 14 DA, huyện Tuy Phước 8 DA, huyện Phù Mỹ 6 DA.
Qua nhiều năm, các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và Hoài Ân luôn là các địa bàn thu hút ít DA đầu tư nhất. Do vậy, các địa bàn này cần cải thiện phương pháp thu hút đầu tư, đặc biệt là lựa chọn các DA phù hợp với đặc thù của vùng như: may mặc, chế biến nông lâm sản, năng lượng.
So với cùng kỳ năm ngoái, quy mô vốn đầu tư năm nay có sự sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 19.339 tỷ đồng (năm 2019 đạt 25.815,64 tỷ đồng, giảm 14%). Sở dĩ có sự sụt giảm nêu trên chủ yếu là do các nhà đầu tư gặp khó khăn trong khâu sản xuất và xuất nhập khẩu, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục. Đặc biệt, những doanh nghiệp có đầu vào, đầu ra phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như: dệt may, da giày, du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, logistics… cũng gặp khó khăn nên chưa tính đến việc đầu tư mới.
Lễ khởi công dự án Greenhill Village Quy Nhơn. |
Triển vọng 2 tháng cuối năm
Năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng có thể thấy đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự làm mới mình. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội.
Các doanh nghiệp nhạy bén sẽ chuyển trạng thái từ “đóng băng” sang nắm bắt ngay những thời cơ mới để phát triển, thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững hơn.
Trong 2 tháng cuối năm, tỉnh Bình Định tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn sau dịch Covid-19 để có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với các DA quan trọng như: Khu đô thị xanh Đông Bắc Diêu Trì (huyện Tuy Phước); Khu vui chơi Phú Hậu - Cát Tiến (Khu kinh tế Nhơn Hội); Khu đô thị mới Nhơn Bình; DA tại Tiểu khu 1 và Tiểu khu 2 (thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát); điểm du lịch số 2A tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; điểm du lịch số 10B tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; điểm du lịch số 9H tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; Trung tâm Đào tạo nghề và cung ứng lao động đi nước ngoài; điểm dừng nghỉ Phước Thành (huyện Tuy Phước)…
Ngoài ra, tỉnh Bình Định đã và đang tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn hàng loạt DA lớn, với tổng quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, khả năng đạt tốt kế hoạch cả năm trong thu hút đầu tư là hoàn toàn khả thi.