Bình Định tăng cường quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng

(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Một vụ phá rừng ở Bình Định. Ảnh tư liệu.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định pháp luật; chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh trường hợp lợi dụng chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật.

Bên cạnh đó, khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật; chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ hủy hoại rừng để làm gương, răn đe các đối tượng vi phạm; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, thu hồi diện tích rừng và đất rừng bị lấn, chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật. UBND các xã, phường, thị trấn, các chủ rừng xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng; thành lập các tổ công tác tiến hành truy quét bảo vệ rừng đột xuất tại các điểm nóng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn mà không phát hiện và tổ chức ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra các hành vi vi phạm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, rà soát xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại cao để có biện pháp phòng ngừa; tổ chức lực lượng tuần tra rừng để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để sự việc tiếp diễn thành điểm nóng, nổi cộm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng nghiêm trọng trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình nhưng không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để thì lãnh đạo đơn vị đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan tài nguyên và môi trường cấp huyện tăng cường công tác quản lý đất đai và tham mưu UBND cấp huyện xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm pháp luật về đất đai; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hợp pháp hóa việc mua, bán, chuyển đổi đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm trong việc điều tra truy quét các điểm nóng phá rừng, tham gia chốt chặn và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; sớm khởi tố vụ án, bị can để xét xử trước pháp luật.

Đọc thêm