Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, mặc dù Bình Dương đã cơ bản kiểm soát được dịch, trở về trạng thái bình thường mới, tuy nhiên nguy cơ dịch bùng phát trở lại vẫn luôn tiềm ẩn vì thế, bên cạnh việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, tập trung triển khai tiêm nhanh, hiệu quả mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 và tiêm vét mũi 1 và mũi 2 thì tỉnh cần phải xây dựng những phương án giám sát và phòng, chống biến thể Omicron theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Được biết, sắp tới Sở Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin 100.000 mũi/ngày; rà soát, tiêm ngay cho các đối tượng chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vắc xin”.
Đối với hệ thống y tế cơ sở, dù đã có những bước cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục, cụ thể là công tác quản lý F0 tại nhà, phân loại F0 trong điều trị, tăng cường công tác điều trị cho cơ sở đáp ứng nhân lực, thuốc, sắp xếp phù hợp về mặt tổ chức; kiện toàn Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng để hỗ trợ cho các Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động; cần phân loại số ca nhiễm để sớm đưa vào khu điều trị góp phần giảm tỷ lệ tử vong.
Đồng thời yêu cầu các địa phương phải thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho người dân và lực lượng phòng, chống dịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị và tham gia quản lý điều trị F0.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 07 ngày qua (từ ngày 20 - 26/12/2021), toàn tỉnh có 988 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR (giảm 48,6% so với tuần trước); trung bình mỗi ngày có 141 ca mắc; 27.882 ca khỏi bệnh, xuất viện, hoàn thành cách ly (bao gồm các trường hợp test nhanh), trung bình mỗi ngày 3.983 ca khỏi bệnh, xuất viện, hoàn thành cách ly. Trong tuần phát hiện 186 ca F0 trong cộng đồng, trung bình 27 ca/ngày; so với tuần trước giảm 48,2%.