Bình Dương tập trung các “điểm nóng”, khoanh vùng ngay từ đầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cố gắng khoanh gọn, dập dịch ngay từ đầu, không để Covid-19 lan rộng trên địa bàn; xem xét, đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh ở từng khu vực, giữ cho được những nơi hiện vẫn còn an toàn, còn sạch; tiếp tục siết chặt “phòng tuyến chống dịch”, nhất là các cơ sở y tế…
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại Bình Dương, ngày 29/6.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại Bình Dương, ngày 29/6.

Đây là những mục tiêu được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với tỉnh Bình Dương, ngày 30/6.

Ngăn lây nhiễm chéo trong khu công nghiệp

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, tỉnh dự báo mỗi ngày đều có F0 nguồn gốc từ TP HCM. Các chuỗi lây nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp. Nếu tỉnh không kiểm soát tốt khả năng rất cao là dịch bệnh sẽ bùng phát trong các khu công nghiệp. Hiện tỉnh cũng đang cố gắng kiểm soát trong khu cách ly để ngăn chặn việc lây nhiễm chéo.

Việc Bình Dương cần làm hiện nay là truy vết, khoanh vùng đối với một số ca F0, thời điểm dịch bùng phát tại một số khu vực trọng điểm để tập trung vào các “điểm nóng”, khoanh vùng chặt, tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly hợp lý.

Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng, dịch ở Bình Dương có lây lan giữa công nhân với dân cư, giữa dân cư với công nhân, giữa công nhân nhà máy này với công nhân nhà máy khác, lây lan giữa người ở Bình Dương với các địa phương lân cận. Do đó, tỉnh cần xác định đúng địa điểm để tập trung ngăn chặn, tổ chức xét nghiệm sàng lọc hợp lý. Chỗ nào nguy cơ cao phải làm rất chặt, cửa đóng then cài, không làm nửa vời, xây dựng các mô hình ngăn chặn phù hợp như: Dừng các dịch vụ không cần thiết, chợ dân sinh, quán bar, nhà hàng, karaoke, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người…

Tập trung “khoanh gọn, dập dịch ngay từ đầu”

Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tỉnh Bình Dương cần khẩn trương lên danh sách công nhân làm việc trong các khu công nghiệp để chủ động ứng phó khi xuất hiện ca mắc Covid-19.

Đồng thời, Bình Dương thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà với quy mô phù hợp để chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát mạnh. Đặc biệt, tỉnh cần tăng cường tầm soát, siết chặt phòng dịch tại các bệnh viện, nhà thuốc, phòng khám… không để dịch xâm nhập các cơ sở điều trị.

“Khi công bố ổ dịch, Bình Dương cần kiểm soát chặt người di chuyển, nhất là công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Tập trung khoanh gọn, dập dịch ngay từ đầu, không để dịch lan rộng trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đặc biệt chú ý tới 2 điểm “cốt tử” trong chống dịch là truy vết, xét nghiệm hợp lý. Theo đó, tỉnh Bình Dương lập 2 mũi xét nghiệm ngay từ sớm: Mũi thứ nhất nhằm triển khai xét nghiệm sàng lọc, tầm soát đánh giá nguy cơ tại những khu vực an toàn, với địa điểm, tần suất hợp lý, trên cơ sở khuyến cáo của ngành y tế; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa triển khai xét nghiệm Realtime RT-PCR mẫu gộp và test kháng nguyên nhanh. Mũi thứ hai tập trung lực lượng lấy mẫu xét nghiệm để truy vết, đảm bảo trả kết quả chậm nhất trong vòng 24 giờ; cập nhật kịp thời kết quả xét nghiệm để thông báo cho các địa phương liên quan truy vết ca bệnh.

Nhấn mạnh việc khoanh vùng, cách ly, Phó Thủ tướng nêu rõ trường hợp chưa khoanh được hẹp ngay, có thể khoanh vùng rộng để tập trung lấy mẫu xét nghiệm nhanh trong một vài ngày, từ đó, xác định được ổ dịch, nguồn lây; thu hẹp khu vực phong tỏa đúng trọng tâm, trọng điểm…

Doanh nghiệp tự triển khai test nhanh Covid-19

Trước nguy cơ dịch lây lan trong khu công nghiệp tại Bình Dương, Bộ Y tế đề nghị thí điểm doanh nghiệp tự triển khai test nhanh Covid-19 cho công nhân, giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) hướng dẫn.

Bộ phận thường trực Bộ Y tế đã xây dựng phần mềm quản lý giám sát, truy vết công nhân và đã triển khai hiệu quả tại Bắc Giang. Do đó, Bộ đề nghị Bình Dương liên hệ Bắc Giang để nhận phần mềm, nghiên cứu áp dụng quản lý công nhân, truy vết khi có F0 tại khu công nghiệp…

Bình Dương cần thành lập tổ an toàn Covid-19 trong các doanh nghiệp. Mỗi phân xưởng/tổ/bộ phận sản xuất phải có một tổ an toàn Covid-19 hàng ngày đi kiểm tra, giám sát thực hiện 5K trong phân xưởng.

Bộ Y tế yêu cầu doanh nghiệp xem xét bố trí tối thiểu 20-50% công nhân ăn, ở và làm việc tại doanh nghiệp để đảm bảo an toàn sản xuất, tránh đứt gãy khi có F0 xuất hiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bình Dương có trách nhiệm thành lập 100 tổ (3-4 người/tổ) hướng dẫn, kiểm tra đánh giá công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp lớn ngoài khu công nghiệp.

Đọc thêm