Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an Tỉnh.
Hội thảo có sự tham gia của trên 100 nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời phân tích, làm rõ cơ sở lý luận, yêu cầu thực tiễn đặt ra, bài học kinh nghiệm, những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm và phương hướng hoàn thiện 2 dự án Luật trong thời gian tới.
Nhiều bài viết, tham luận chất lượng của các đại biểu làm rõ việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới, là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay và là giải pháp góp phần đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính trọng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các tham luận cũng làm sáng tỏ vị trí, vai trò của bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, đánh giá thực tiễn tổ chức hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thời gian qua, chỉ ra những bất cập của các quy định pháp luật hiện hành trên lĩnh vực này; đánh giá tình hình và các yếu tố tác động đến nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong bối cảnh mới; xác định sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng xây dựng các đạo luật chuyên sâu. Trong đó, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp của Công an nhân dân với các bộ, ngành có liên quan trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò hết sức quan trọng và mang tính quyết định, việc giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.
Để hoàn thiện pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở góp phần chủ động bảo đảm an ninh, trật tự tại chỗ”, từ sớm, từ xa, đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đề nghị dự án Luật quan tâm hợp nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thành một lực lượng thống nhất với một tên gọi thống nhất là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Quy định trong luật về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với các nhóm nhiệm vụ cụ thể; Quy định trong luật về trách nhiệm của lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Đồng thời, nghiên cứu các quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không trùng với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; quy định về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, các lực lượng có liên quan ở địa bàn cơ sở; quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự giám sát của HĐND cấp xã, sự quản lý của UBND cấp xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở; được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất công việc, điều kiện kinh tế, xã hội ở địa phương để đảm bảo thu hút, động viên, khích lệ quần chúng tham gia, nhất là những người trẻ, người có trình độ, năng lực; được bảo đảm điều kiện hoạt động phù hợp với yêu cầu công tác bảo vệ an ninh, trật tự và điều kiện thực tế của từng địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Kết luận hội thảo, Trung tướng, Tiến sỹ Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao sự tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý và cán bộ hoạt động thực tiễn. Ban tổ chức có trách nhiệm tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu làm ý luận cứ khoa học phục vụ quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thời gian tới./.