Bộ đội Biên phòng hối hả giúp dân ứng phó bão số 7

(PLVN) -  Trước khi mạnh lên thành bão số 7, áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn trên diện rộng nhiều ngày qua tại các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Ứng phó với thiên tai, bão lũ, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã nhanh chóng triển khai các phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thiên Cầm, BĐBP Hà Tĩnh hỗ trợ nhân dân neo đậu tàu cá. (Ảnh Báo Biên phòng)

Tàu cá tránh trú an toàn, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng qua (8/10), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 7. Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, thực hiện công điện của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Cục Cứu hộ - cứu nạn, những ngày qua, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục có điện chỉ đạo các đơn vị ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa khẩn trương thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển di chuyển phòng tránh hoặc về bờ, đảm bảo an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là số phương tiện đang hoạt động ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.

Đồng thời, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị triển khai ứng phó tình huống mưa ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, kho tàng, doanh trại, trang bị khí tài; chuẩn bị lương thực thực phẩm, thuốc, quân y dự phòng, xăng dầu, máy phát điện, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt để phòng bị chia cắt, cô lập dài ngày.

Các địa phương đã tổ chức cấm biển từ những ngày trước. Các đồn Biên phòng thông báo lệnh cấm biển, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi (kể cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) cho đến khi thời tiết trên biển trở lại bình thường và bắn pháo hiệu cảnh báo theo quy định. Hiện BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo tại 24/27 điểm.

Các tỉnh từ Thanh Hóa - Bình Định có 72.963 ha diện tích và 12.666 lồng, bè nuôi trồng thủy sản (Thanh Hóa nuôi lớn nhất: 5.240ha và 3.384 lồng bè). Diện tích lúa chưa thu hoạch các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên còn 25.307ha. Bên cạnh việc tổ chức, sắp xếp cho tàu thuyền của ngư dân neo đậu vào khu tránh trú, các đồn Biên phòng còn giúp ngư dân di chuyển các ghe nhỏ, thuyền thúng lên bờ để bảo vệ tài sản.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP, đến nay, BĐBP đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện/278.639 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão. 60 tàu/480 lao động hoạt động trong khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa đã di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Chủ động ứng phó với bão số 7, Quân đội sẵn sàng các phương án phối hợp sơ tán dân trong tình huống dịch COVID-19 tại các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Theo đó, sẽ sơ tán 71.559 hộ/290.671 dân khu vực ven biển. Trong đó, đông nhất là Quảng Bình với 29.125 hộ/109.300 dân.

TP. Đà Nẵng có âu thuyền, cảng cá Thọ Quang lớn nhất khu vực miền Trung, nơi tàu thuyền các tỉnh không chỉ cập cảng bán cá mà còn cập cảng tránh trú khi có bão gió. Đối với các tàu, thuyền ngoại tỉnh, Đồn Biên phòng Sơn Trà và Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang bố trí khu neo đậu riêng và chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, sẵn sàng đón người vào cách ly nếu bão đổ bộ.

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên - Huế đã bố trí cho 4 phương tiện với 34 lao động của các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định vào neo đậu tại một khu riêng trong âu thuyền, cảng cá Thuận An. Các thuyền viên của các phương tiện này được lực lượng y tế địa phương kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu tự cách ly trên tàu. Trường hợp bão đổ bộ, BĐBP sẽ đưa ngư dân lên bờ bố trí chỗ tránh trú, cách ly.

Giúp dân chuyển tài sản trước khi nước sông dâng cao.

Ứng phó trước khi bão tới

Nhận thấy ATNĐ tiếp theo là bão số 7 có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã yêu cầu các đồn Biên phòng chủ động phòng, chống tại đơn vị, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát vị trí xung yếu, sẵn sàng lực lượng sơ tán người dân từ nhà tạm không đảm bảo an toàn đến các trường học, trụ sở cơ quan đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.

Khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị được chia ra các vùng trọng tâm để sơ tán dân gồm: Vùng trực tiếp bão, nước biển dâng (gồm các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và đảo Cồn Cỏ); vùng ngập sâu (khu vực sông Sê Pôn); vùng lũ quét, sụt lún, sạt lở đất (huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông).

Những ngày qua, hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông mưa xảy ra trên diện rộng với cường độ lớn nên nước sông Đakrông, Sê Pôn dâng cao, chảy xiết. Các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã tại các xã: Ba Nang, A Vao, Tà Long (huyện Đakrông); Thuận, Thanh (huyện Hướng Hóa)... ngập sâu trong nước. Hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông, suối đã bị chia cắt và cô lập hoàn toàn.

Các đồn Biên phòng tuyến núi thuộc BĐBP Quảng Trị đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ bám nắm tại các địa bàn bị ngập lụt để tuyên truyền, vận động nhân dân không qua lại các đập tràn, không vớt củi và đánh cá trên sông nhằm tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đồng thời, các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tổ chức di dời nhân dân tại các điểm bị ngập, các điểm có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Thừa Thiên - Huế cho biết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để có các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả. BĐBP Thừa Thiên - Huế duy trì 680 cán bộ, chiến sĩ và 18 tàu, xuồng, ô tô trực cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn. ATNĐ gây mưa to trên diện rộng, đặc biệt là tại huyện A Lưới.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo các đồn Biên phòng: Hương Nguyên, cửa khẩu A Đớt, cửa khẩu Hồng Vân phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng sơ tán người dân ở nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Sau khi nhận tin tàu cá BT 98046 TS hiệu Minh Phát do ông Trịnh Văn Hải (SN 1964, ở ấp 9, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) làm chủ bị phá nước, chìm vào sáng sớm ngày 6/10, trên tàu có 8 thuyền viên, Bộ Chỉ huy BĐBP Bến Tre đã điều động tàu BP 16-98-01 cùng cán bộ Hải đội 2 nhanh chóng tiếp cận hiện trường, cứu vớt an toàn 8 thuyền viên bị nạn đưa vào cảng cá Ba Tri. Quân y Đồn Biên phòng Hàm Luông, BĐBP Bến Tre đã tổ chức test nhanh COVID-19 cho số thuyền viên trên. Tất cả đều âm tính với COVID-19. Hiện sức khỏe các thuyền viên đã ổn định.

Cùng ngày, tàu cá QNa94808TS do ngư dân Lê Ngọc Phú (SN 1985, trú tại xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng, cùng 2 thuyền viên khi đang chạy vào bờ tránh ATNĐ thì dây tời trên tàu bị đứt, đập vào đầu thuyền trưởng Lê Ngọc Phú gây chảy máu, bất tỉnh. Do bị thương nặng nên tính mạng của thuyền trưởng Lê Ngọc Phú ngày càng nguy cấp.

Nhận được tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (tại Đà Nẵng) đã điều động tàu SAR 274 khẩn trương xuất bến đi cứu nạn. Đến 12h30 cùng ngày, tàu SAR 274 đã cập cảng Đà Nẵng. Trạm Kiểm soát Biên phòng Công trình 15, Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP Đà Nẵng đã làm thủ tục tiếp nhận nạn nhân và phối hợp đưa thuyền trưởng Lê Ngọc Phú đi cấp cứu. Anh Phú hiện đã qua cơn nguy kịch.

Đọc thêm