Bộ sách quý không chỉ viết về một đời người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 4 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019, 2021), Nhà xuất bản Thanh niên đã ấn hành xong bộ sách gồm 4 tập của nhà văn, nhà báo, dịch giả văn học, nhà nghiên cứu văn hóa Đức Trần Đương.
Bộ sách mang tít chung là “Nước Đức - duyên nợ của đời tôi”, dày tổng cộng trên 2000 trang
Bộ sách mang tít chung là “Nước Đức - duyên nợ của đời tôi”, dày tổng cộng trên 2000 trang

Bộ sách mang tít chung là “Nước Đức - duyên nợ của đời tôi”, dày tổng cộng trên 2000 trang khổ 16×24cm, đóng bìa cứng, mỗi tập in kèm theo một bộ ảnh quý về mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai nước Việt Nam và Đức mà nổi bật nhất là những hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí và bầu bạn Đức do Trần Đương dày công sưu tầm trong nhiều năm.

Mỗi tập sách có một tên riêng, phản ánh theo chủ đề chung qua từng quãng đời của tác giả: tập 1 là “Tuổi thanh xuân dưới hai bầu trời” (nói về thời niên thiếu và tuổi thanh xuân); tập 2 là “Hiển hiện Tổ quốc trong tim mình” (về ngót 10 năm tác giả làm phóng viên thường tín của Thông tấn xã Việt Nam ở Berlin); tập 3 là “Nước Đức trong lòng Hà Nội” (về những năm tác giả công tác trong nước) và tập 4 là “Sông Hồng, sông Rhein hòa chung dòng chảy” tập hợp một số bài viết về quan hệ của Bác Hồ với hai miền nước Đức trước kia, những ghi chép trong nhiều chuyến thăm của tác giả tại Đức sau này.

Nói như nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, thì có thể coi 4 tập sách trên đây là “Bốn anh em dưới một mái nhà” mang ý nghĩa tổng kết của một cuộc đời bình dị mà nét đặc trưng là sự gắn bó với một đất nước ở châu Âu từ khi tác giả còn là một chú bé 12 tuổi đến hôm nay ở độ tuổi gần 80, được coi là một nhân chứng tin cậy của các quan hệ hữu nghị và văn hóa giữa Việt Nam và Đức.

Các tác giả người Đức cũng như Việt Nam đã có nhiều bài viết về quá trình hoạt động báo chí và văn hóa của Trần Đương, dành cho ông những danh hiệu và sự khẳng định tốt đẹp về quá trình ấy; coi ông là “người nối nhịp cầu giữa hai nền văn hóa”, “chuyên gia văn hóa Đức”, hoặc “nhà văn hóa học giàu năng lượng”, “Đại lực điền trên cánh đồng văn hóa”.

Là người sáng tác thơ bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Đức, nên có người gọi ông là “lưỡng quốc thi nhân”. Riêng Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) từng đánh giá cao lao động khoa học và nghệ thuật của Trần Đương. Ông viết: “Trần Đương là người có khả năng đóng góp vào nhiều lĩnh vực và nổi trội hơn cả là lý luận phê bình và dịch thuật.

Công việc dịch thuật chủ yếu từ tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Đức và ngược lại, từ tác phẩm văn học Đức ra tiếng Việt…nhằm giới thiệu hai nền văn học cho hai đất nước. Về phương diện này, phải nhận Trần Đương là một chuyên gia, hơn nữa anh lại là một nghệ sĩ có tri thức khoa học, có cảm hứng sáng tạo văn chương và đã có đóng góp trên nhiều phương diện”.

Trong phần phụ lục của các tập sách đều có những bài viết về cuộc đời và quá trình hoạt động báo chí, văn hóa của Trần Đương. Đó là những cảm nhận rất đáng trân trọng của các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ như: Đặng Thủy, Nguyễn Ngọc Phan, Lê Ngọc, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Vũ Ngọc Lung, Trần Mạnh Thường hoặc PGS. TS Nguyễn Trường Lịch, thầy giáo cũ của Trần Đương ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nhà báo Trần Đương trò chuyện với các đồng nghiệp Thông tấn xã ADN khi mới nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin (Hè 1972)
Nhà báo Trần Đương trò chuyện với các đồng nghiệp Thông tấn xã ADN khi mới nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin (Hè 1972)

Những cảm nhận nói trên giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về tác giả Trần Đương khi đọc bộ sách này, nhưng đó không phải là điều mà bộ sách đặt ra. Trần Đương đã nói: Nó không phải là “hồi ký” mà là câu chuyện dông dài về nước Đức nơi ông gắn bó từ thuở thiếu thời.

Điều quan trọng là qua những trang viết của mình, tác giả muốn chứng minh các mối quan hệ hữu nghị, trong đó có quan hệ văn hóa giữa hai đất nước mà ông là một nhân chứng, đã trải nghiệm qua cuộc sống và hoạt động cụ thể của mình.

Bằng những trang viết ấy, qua cả bốn tập sách, rõ ràng Trần Đương không có ý nói về bản thân mình, mà trước hết, trên hết, giúp người đọc thấy chiều dài, chiều sâu của mối quan hệ tốt đẹp, ngày càng phát triển theo hướng tích cực của hai đất nước.

Đó là tình bạn chiến đấu vĩ đại giữa các vị lãnh tụ của Đảng và Nhà nước của hai đất nước, mà nổi bật là giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chính khách lớn: Wilhelen Pieck, Otto Grotewohl, Walter Ulbricht, Max Reimaun.

Với bộ sách này, người đọc như thấy được những hoạt động và tình cảm của các nhà lãnh đạo Việt Nam trên đất Đức (như các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp) và ngược lại là tình cảm của các đồng chí Erich Hunecker, Willi Stoph, Werner Lamberz…trên đất nước Việt Nam.

Tác giả không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa hai Đảng, hai đất nước, mà còn cho thấy hình bóng, tình cảm của nhiều nhân vật lớn trên thế giới như Fidel Costro - vị lãnh tụ của nhân dân Cuba, hoặc các văn nghệ sĩ quốc tế tiêu biểu như: K.Simonov, B.Polevoi, J.Fonda…đối với Việt Nam ta.

Là nhà báo, phóng viên thông tấn, nhưng Trần Đương cũng là một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, cho nên các trang viết của ông không khô khan, mà ngược lại, bằng tình cảm, tâm hồn của một nghệ sĩ thực thụ. Đọc hàng loạt bài mang tính chất chân dung, chúng ta vẫn thấy cuốn hút, hấp dẫn chứ không nặng nề.

Tôi đặc biệt khâm phục tác giả ở chỗ đã dày công nghiên cứu và dựng lại chân dung của hàng loạt văn nghệ sĩ lớn của nước Đức trong ba thế kỷ qua, đã kiên trì gặp gỡ, ghi chép những dòng tâm sự và hiểu biết của nhiều nhà văn hóa Việt Nam về văn hóa Đức mà ông gọi là “những vỉa than nồng ấm”.

Qua những “vỉa than” này lần đầu tiên người đọc được thông tin về các cảm nhận của các trí thức lão thành đối với nền văn hóa của một đất nước ở Châu Âu. Tiếp bước các vị tiền bối ấy, thế hệ trẻ hôm nay càng có điều kiện tiếp xúc với mọi lĩnh vực văn hóa của nước bạn, càng tăng cường mối giao lưu lâu dài ấy giữa hai đất nước.

Như vậy, bộ sách trên 2000 trang phong phú này không dừng lại ở câu chuyện của một con người, ở những gì tác giả trải nghiệm, chứng kiến mà từ những sự kiện cụ thể, người đọc có dịp được “sống” với cả một không gian văn hóa, không gian của tình hữu nghị được thiết lập từ lâu. Qua bộ sách này, người đọc nhận thấy: Trần Đương không chỉ là một “nhân chứng” mà còn là người có công góp phần vào việc tăng cường, đẩy mạnh, thắt chặt các mối quan hệ ấy

Đọc thêm