Bổ sung thông tin lối đi chung trên sổ đỏ như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Văn Mạnh (Hà Nội) hỏi: Tôi vừa mua 1 mảnh đất trong ngõ, trong ngõ có 4 hộ đều sử dụng 1 lối đi chung, khi tôi mua đất thì họ yêu cầu tôi phải nộp 70 triệu để được sử dụng lối đi chung đó. Tôi đồng ý và đã đóng tiền, tuy nhiên trên sổ đỏ của gia đình tôi lại không thể hiện lối đi chung, còn sổ của 3 hộ kia đều có. Vậy tôi cần thực hiện thủ tục và chuẩn bị những hồ sơ gì để xin bổ sung lối đi chung vào sổ đỏ của tôi?
Luật sư Phạm Minh Hoàng.
Luật sư Phạm Minh Hoàng.

Luật sư Phạm Minh Hoàng - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh tư vấn: Căn cứ quy định tại Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ), trong trường hợp thửa đất hợp nhất từ nhiều thửa khác có nguồn gốc, thời hạn sử dụng đất khác nhau hoặc có phần đất sử dụng riêng của một người và phần đất sử dụng chung của nhiều người thì thể hiện ranh giới giữa các phần đất bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó. Đối với trường hợp trên, người dân cần chuẩn bị các giấy tờ và thực hiện theo thủ tục được quy định tại cơ quan địa phương có thẩm quyền.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn về việc bổ sung lối đi vào GCNQSDĐ được xem là việc thay đổi về quyền hạn chế quyền sử dụng đất cụ thể là quyền lối đi và bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bổ sung lối đi chung vào sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên GCNQSDĐ. Vì vậy, căn cứ theo quy định trình tự, thủ tục để thực hiện việc thay đổi trên tại Điều 85 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, các bước như sau:

Bước 1, chuẩn bị hồ sơ gồm: Bản đo vẽ lối đi chung; GCNQSDĐ (bản gốc đã được cấp); Đơn đăng ký biến động đất đai (mẫu 09/ĐK); Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi hạn chế về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên GCNQSDĐ đối với trường hợp có hạn chế theo quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp có thay đổi hạn chế theo văn bản chuyển quyền sử dụng đất thì phải có văn bản chấp thuận thay đổi hạn chế của người có quyền lợi liên quan, được UBND cấp xã xác nhận.

Bước 2, nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ: Nơi nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi có đất hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất hoặc Trung tâm hành chính công nơi có đất.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành: Đo đạc lối đi chung, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, xác nhận biến động, trình cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ mới sau khi cập nhật thông tin lối đi chung, gửi số liệu địa chính sang cơ quan thuế.

Bước 3, nhận kết quả: Người sử dụng đất có yêu cầu và được phép ghi nhận, cấp sổ đỏ cho diện tích đất thuộc đường đi chung hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi nhận sổ đỏ được mang tên mình.

Lưu ý: Trong bối cảnh Luật Đất Đai năm 2024 sắp có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2024, một số quy định và biểu mẫu được nêu trong bài viết này có thể bị thay đổi và điều chỉnh trong thời gian tới.

Đọc thêm