Bộ Tài chính hạ quyết tâm “kéo” doanh nghiệp đến với kênh trái phiếu

(PLO) - Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song thị trường trái phiếu hiện chiếm chưa đầy 37% GDP, trong đó trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chỉ chiếm hơn 5% GDP. Bộ Tài chính cho biết trong năm 2017 này, Bộ sẽ triển khai một loạt giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn trái phiếu, tăng cường minh bạch hóa và công khai thông tin trong quá trình huy động vốn…

Doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận vốn từ thị trường trái phiếu
Doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận vốn từ thị trường trái phiếu

Thông tin đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề “Thị trường trái phiếu năm 2016 và định hướng phát triển trong các năm tiếp theo” do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 28/2. 

Nhiều kết quả tích cực

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về khung khổ chính sách, về tổ chức điều hành và tái cơ cấu thị trường trái phiếu theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, làm tiền đề phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2016-2020, thị trường trái phiếu năm 2016 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành đạt 281.750 tỷ đồng tương đương 98,3% kế hoạch phát hành năm với 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên(vượt mục tiêu do Quốc hội đề ra là 70% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên); đồng thời lần đầu tiên phát hành thành công TPCP kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, danh mục nợ Chính phủ đã có sự cải thiện rõ rệt cả về quy mô, kỳ hạn và chi phí huy động. Bên cạnh đó, cơ sở nhà đầu tư đã có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư dài hạn như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi, DN bảo hiểm. 

Trên thị trường thứ cấp, khối lượng giao dịch trái phiếu tăng mạnh so với năm 2015, bình quân phiên đạt 6.285 tỷ đồng tăng 72% so với năm 2015, giúp thanh khoản thị trường tăng đáng kể.

Kênh phát hành TPCP bảo lãnh và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2016 về cơ bản cũng đã đáp ứng được yêu cầu huy động vốn của các Ngân hàng chính sách để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.

Khối lượng phát hành TPDN đạt 129.636 tỷ đồng, tăng 203,1% so với năm 2015. Thị trường TPDN từng bước trở thành kênh huy động vốn cho các DN để phát triển SXKD.

“Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thị trường trái phiếu về cơ bản quy mô còn nhỏ, chỉ chiếm 36,9% GDP; thị trường TPDN chưa phát triển (đến hết năm 2016 chỉ chiếm 5,27% GDP), các DN vẫn chủ yếu huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng…”- Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) nhận xét.

Hoàn thiện khung khổ pháp luật đi đôi với phát triển thị trường

Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính. với mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và chủ động hội nhập thị trường quốc tế; trong năm 2017 và các năm tiếp theo Bộ Tài chính tập trung vào các giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và phát triển thị trường.

Cùng với việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến 2030 với đầy đủ các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu, một trong những văn bản quan trọng trình Chính phủ ban hành là Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát TPDN để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn trái phiếu, tăng cường minh bạch hóa và công khai thông tin trong quá trình huy động vốn.

Bộ Tài chính xác định phát triển thị trường TPCP trở thành thị trường chuẩn cho thị trường tài chính, làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu. Đa dạng hóa các sản phẩm TPCP để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tiếp tục phát hành kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm nhằm kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ Chính phủ theo hướng bền vững, nghiên cứu triển khai sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi; 

Cùng với đó, đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, tập trung phát triển nhà đầu tư dài hạn để tạo cầu bền vững; Phát triển các định chế trung gian và hạ tầng của thị trường; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tạo sự liên kết giữa thị trường trái phiếu trong nước với thị trường trái phiếu khu vực và thế giới nhằm tận dụng các cơ hội và tiềm năng để phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam theo thông lệ quốc tế…

Dự kiến thành lập trung tâm trái phiếu riêng lẻ

Tại buổi họp báo, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, IBCKNN đang dự kiến trình Chính phủ thay đổi một số điều kiện phát hành TPDN. 

Hiện việc phát hành TPDN đối với công ty cổ phần có hai hình thức: Một, DN phát hành ra công chúng được thực hiện theo các quy định của Luật chứng khoán và  Nghị định 60 và Nghị định 58. Hai, các công ty TNHH có thể phát hành trái phiếu riêng lẻ. theo Nghị định 90.

UBCKNN đề xuất xem xét lại điều kiện phát  theo hướng quy định chung đối với phát hành ra công chúng vàphát hành  riêng lẻ là như nhau. Dự kiến UBCKNN sẽ trình Chính phủ thay đổi điều kiện phát hành nhưng việc thay đổi điều kiện này sẽ gắn với việc thay đổi các điều kiện khác để phát triển thị trường TPDN  theo hướng công khai minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư. 

Cụ thể, điều kiện khác là: bỏ điều kiện 1 năm sau phát hành có lãi, quy trình thủ tục đơn giản hơn đảm bảo tính công khai minh bạch công bố thông tin anh là ai, anh ở đâu, anh như thế nào? Các DN phải công bố thông tin đầy đủ như các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng rất mong muốn có các công ty Công ty định mức tín nhiệm, nhưng việc thành lập  các công ty này lại tùy theo yêu cầu của thị trường. 

“Chúng tôi cũng đề cập thị trường cho khối DN tương đối nhỏ nên sự quan tâm của khu vực tư nhân đối với việc phát triển định mức tín nhiệm chưa phải cao. Nhưng Bộ Tài chính cũng đề xuất có bộ hồ sơ đăng ký để thành lập công ty định mức tín nhiệm…”- Bà Bình cho biết,

Tuy nhiên, đại diện UBCKNN cũng lưu ý, việc thành lập các trung tâm định mức tín  nhiệm sẽ gắn với sửa đổi chính sách. Trung tâm thông tin DN và TPDN sẽ phải tách ra làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất liên quan đến phát hành ra công chúng, đăng ký lưu ký trên thị trường chứng khoán thì sẽ thực hiện theo hệ thống giao dịch của 2 Sở GDCK cung cấp. 

“Dự kiến có 1 trung tâm cho phát hành trái phiếu riêng lẻ gom vào một nơi để có lợi ích cho cả 3 nhà: nhà quản lý có thông tin tập trung để quản lý tất cả các loại hình, thị trường; nhà phát hành có thể tìm kiếm nhà đầu tư và nhà đầu tư có đủ thông tin để biết DN phát hành là ai, tình hình khi phát hành như thế nào. Đó là mục đích khi nội dung sửa Nghị định 90 và hình thành Trung tâm thông tín…”- bà Bình lưu ý.

Đọc thêm