Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải về đạo đức ngành Y trong vụ TMV

(PLO) - Mặc dù không có tên trong danh sách các bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của ĐB QH trong kỳ họp này, nhưng sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã phát biểu trước QH, trả lời những  bức xúc của cử tri  về sự xuống cấp của đạo đức ngành y, mà cụ thể là vụ bác sỹ ném xác phi tang khách hàng thẩm mỹ viện.
Trước hết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến  bày tỏ: “Dù là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, khách quan hay chủ quan, thì Bộ y tế, Bộ trưởng  đều có liên quan ít nhiều đến trách nhiệm.”
Nói về đạo đức nghề nghiệp, bà cho rằng ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng cần  phải có.  Nhưng theo bà, “Đạo đức ngành Y không chỉ hình thành trong 6 năm đào tạo thành nghề, mà nó ra đời từ lúc lọt lòng đến lúc về thế giới bên kia, thì phải có sự giáo dục, rèn luyện của gia đình, của xã hội. Và đặc biệt là của chính bản thân của người đó.” 
Từ sự “mào đầu” như vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Vụ Cát Tường là điển hình của sự mất nhân tính, không phải chỉ là sự xuống cấp của đạo đức ngành y. Vụ việc này đã gây ra  nỗi đau đớn của thân nhân nạn nhân, mà còn là nỗi đau đớn, bức xúc của ngành y. “Tất cả các nhân viên của ngành chúng tôi đều có cảm giác không thể tin đó là sự thật.” – Bộ trưởng tâm sự. 
Nói về nguyên nhân xuống cấp, Bộ trưởng chỉ ra những nguyên nhân chính. Đầu tiên là do bản thân con người đó không rèn luyện chính mình. Thứ hai là cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường có nhiều tích cực, tuy nhiên cũng có những tác động tiêu cực, đó là lợi nhuận, đó là mong muốn kiếm được nhiều tiền, bất chấp khả năng cho phép về nghề nghiệp cũng như trách nhiệm.
Lý do thứ 3 của sự xuống cấp đạo đức là do tình trạng quá tải của bệnh viện. Tình trạng quá tải đã gây áp lực, nên thái độ, đạo đức  của người làm công tác y tế không đáp ứng được mong muốn của bệnh nhân.  
Nhận định về vụ việc ở TMV Cát Tường, Bộ trưởng bộ Y tế nói: “Đây là một sự cảnh tỉnh toàn bộ ngành Y tế,  để có thể vượt qua mọi  khó khăn, quyết tâm sửa chửa.”
Tư lệnh ngành Y tế cũng cho biết, sắp tới, ngành Y tế  sẽ ban hành thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp.
“Nhiều người cho rằng ngành nào chẳng cần đạo đức? Đạo đức là vấn đề ai cũng có. Nhưng chúng tôi cho rằng, ngành Y là đụng chạm đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Một sai sót của người kỹ sư chỉ hỏng cái máy. Còn chúng ta,  sai sót sẽ ảnh hưởng cả tính mạng con người. Những tai biến y khoa  rình rập chúng ta không phải hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, mà hàng giờ, hàng phút...”
Bộ trưởng Tiến cũng đã biện minh khéo khi đưa ra con số tai biến sản khoa ở Hoa Kỳ. Bà phát biểu:  Không phải ở cả nước như chúng ta, mà  cả ở những nước tiên tiến như Hoa Kỳ.Tỷ lệ tử vong sản khoa cũng rất cao. Nhân lên dân số thì ngày nào cũng có.
Ngoài việc ban hành thông tư về Đạo đức ứng xử nghề nghiệp, một giải pháp để "cứu vớt sự xuống cấp đạo đức” mà ngành Y tế sẽ thực hiện là thành lập đường dây nóng. Bộ trưởng cho biết,  đường dây nóng sẽ được thiết lập ở ba cấp.  Căn cứ vào những thông tin phản hồi từ đường dây nóng, ngành y tế sẽ có những hình thức xử lý thật chặt đối với cán bộ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 
“Đạo đức ngành Y là vấn đề rất quan trọng. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc vấn đề này, và nhờ các vị ĐB QH cùng giám sát.” – Bộ trưởng trần tình. 
Người đứng đầu ngành Y tế cũng mong các đại biểu và cử tri có cái nhìn khoan dung, toàn diện hơn khi xem xét những công việc mà ngành đã làm được. “Với lượng công việc lớn như hiện nay, chắc chắn sẽ có những tai biến, và không tránh khỏi hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh.” – bà nói.

Đọc thêm