Những dòng thư của người lính trẻ viết cho người yêu tràn đầy lý tưởng và lãng mạn, khiến tôi có cảm giác nó xa lạ trong đời sống hiện đại mà chỉ có trong những tiểu thuyết lãng mạn cách mạng. Có biết bao lá thư được viết như vậy trong những thời gian tàn khốc của lịch sử?.
|
Lá thư anh Hòa gửi chị Thúy |
"Anh ra đi mang theo tình em, anh ra đi để được hiểu, được sống trong giờ phút có cảm nghĩ sâu sắc và tất nhiên sẽ hiểu hết các giá trị của tình yêu. Một tình yêu của anh với em không giới hạn. Một tình yêu vô cùng đẹp đẽ. Dù có nói vạn lần yêu em anh cảm thấy vẫn chưa đủ. Anh không biết nói gì hơn nữa để diễn tả nỗi nhớ tình thương và yêu em như lúc này.
Em yêu thương và nhớ mãi của anh! Chỉ còn 3 giờ đồng hồ nữa là anh tạm biệt nơi đây. Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh. Nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé. Anh đã và đang chuẩn bị hành quân như em đã viết thư cho anh. Và đêm nay anh không ngủ để ghi nốt trang thư trên mảnh đất này.
Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em.Nhận được thư này đừng nên lo lắng nhiều và buồn em nhé - tan giặc anh về, chờ đợi anh em nhé, chờ đợi anh. Đêm 19/2. Anh yêu của em”
Dòng thư đầy nhiệt huyết được viết ra với niềm tin thắng trận, anh sẽ về, sẽ cưới cô giáo làng Phạm Thị Thúy như hai gia đình đã ước hẹn. Nhưng cuộc chiến tàn khốc nơi biên giới phía Bắc đã cướp mất anh...
Anh Phạm Văn Sinh (ở Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định) là con bác cô giáo Thúy kể lại, chị Thúy học tại Trường sư phạm Nam Hà theo hệ 10+3 và về làng giảng dạy. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh Hòa về phép và thường qua lại nhà anh Sinh và gặp chị Thúy ở đó..
"Theo lời kể sau này của mẹ tôi thì có lần anh Hòa đến chơi, mẹ tôi có bảo anh là: “Cháu còn ở quân ngũ thì xem mà lấy vợ đi để vợ cháu nó về đỡ đần cho mẹ già của cháu”. Thế rồi như có sự sắp đặt, một lần kia anh Hòa lại ghé sang gia đình tôi thì anh bắt gặp chị Thúy cũng vừa đến thăm bố mẹ tôi …
Và chẳng hiểu duyên số gì mà một thời gian ngắn làm quen hai người đã thường xuyên viết thư cho nhau. Khi biết anh Hòa và chị Thúy yêu nhau, bố mẹ tôi mừng lắm, nhất là mẹ tôi. Cụ thường nói với mọi người: “Cháu Thúy nó lấy được thằng Hòa làm chồng thì là phúc lớn cho gia đình họ hàng nhà mình. Thằng Hòa nó ngoan, tôi quý nó lắm ”.
Chuyện tình yêu của anh Hòa và chị Thúy khi ấy mộc mạc và đơn giản. Anh hay thổi sáo trúc. Anh là một quân nhân, còn chị là một cô giáo. Ý chí, tâm hồn và hoàn cảnh anh chị chẳng khác nào ca từ “Hành khúc ngày và đêm”. “Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch, bồi hồi đêm xuất kích chờ nge tiếng pháo ran. Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ. Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào… đốt cháy lửa tình yêu …”.
"Tình yêu của anh chị đẹp và trong sáng lắm", ông Sinh bồi hồi kể tiếp. "Sau Tết năm 1979, tôi nhận được thư nhà (khi đó tôi đang công tác tại một đơn vị quân đội tại khu vực biên giới Tây Nam) và được biết gia đình, họ hàng đôi bên có dự định sẽ tổ chức đám cưới cho anh Hòa và chị Thúy vào tháng 3 (tháng 2 âm lịch ) năm này”.
|
Ông Nguyễn Huy Nam đang trò chuyện với phóng viên |
Ông Nguyễn Huy Nam, hiện là bí thư chi bộ xóm 15, xã Hải Anh, Hải Hậu, là bạn học thời “chăn trâu cắt cỏ”, từ lớp 1 đến lớp 7 với liệt sĩ Hòa cho biết thêm, anh Hòa dáng vóc thư sinh, hát hay, thổi sáo giỏi, hiền lành. Hai người thường đi tập văn nghệ với nhau.
Học xong cấp 2, gia đình anh Hòa chuyển sang xã Hải Hòa, rồi hai người bạn cùng vào quân ngũ nên ít có cơ hội gặp lại nhau.
"Tôi nhớ có một lần vào năm 1975 Hòa về phép, hai anh em gặp nhau giữa đường, hỏi thăm qua quýt, rồi lại chia tay. Thời chiến, trưởng thành là lên đường ngập ngũ, tôi chỉ nhớ Hòa thời bạn học - một con người dễ mến, ham thích văn nghệ", ông Nam hồi tưởng. "Sau này biết anh Hòa yêu chị Thúy, tình yêu họ đẹp quá nhưng do chiến tranh mà bi kịch. Sau khi anh Hòa hi sinh, chị Thúy để tang anh 3 năm, rồi mới tính chuyện lấy chồng. Bây giờ chị Thúy sống trầm lặng, coi câu chuyện đó như một kỷ niệm đẹp và để nó yên bình, trận trọng, nhưng chị ít nhắc lại nhiều vì nhắc lại thêm đau lòng”.
Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa, SN 1952 quê ở xã Hải Hùng (nay là xã Hải An, Hải Hậu, Nam Định). Lá thư được viết vào ngày 19/2/1979, chỉ hai hôm sau khi chiến tranh biên giới bắt đầu. Khi đó, đơn vị của chuẩn úy Hòa (Chính trị viên phó Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 337) nhận lệnh hành quân cấp tốc từ Nghệ An lên Lạng Sơn.
Người lưu giữ bức thư suốt 34 năm qua, đại tá Vũ Đình Đảng (cựu giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự) cho hay, năm 1981 ông tiếp nhận vị trí Chính trị viên Đại đội 10, là đơn vị cũ của anh Hòa. Trong một lần kiểm tra sổ sách, giấy tờ đơn vị, ông vô tình phát hiện trong cuốn sổ giao ban của đại đội có một bức thư rơi ra. Bao thư in hình những bông hoa màu đỏ giản đơn, không ghi địa chỉ người gửi lẫn người nhận.
Ông tò mò giở lá thư có nét chữ cứng rắn còn đậm màu mực, mới biết đó là của một sĩ quan trẻ gửi cho bạn gái nơi quê nhà. Dò hỏi anh em trong đơn vị cái tên Nguyễn Thái Hòa, họ cho ông biết đó là chính trị viên cũ, đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Từ đó về sau, hễ thấy ai người Hải Hậu (Nam Định), ông Đảng đều dò hỏi, mục đích tìm lại người được gửi bức thư để trao trả nhưng không có hy vọng.
40 năm trôi qua, cuối cùng bức thư được Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ MARIN tiếp nhận. Việc tìm kiếm người nhận được tiến hành. Người con gái liệt sĩ Hòa nhắc đến trong bức thư tên Thúy, là người yêu, vợ sắp cưới của anh khi đó. Bà Thúy giờ đã nghỉ hưu và sống ở quê cùng gia đình.