Bùi Chát là họa sĩ tự dạy, anh theo học và tốt nghiệp cử nhân văn chương, cử nhân luật, chưa từng học bất cứ một trường hoặc khóa học nghệ thuật chính quy nào.
Trước khi trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, Bùi Chát là một thi sĩ, anh đã xuất bản 7 tập thơ, được dịch và giới thiệu qua một vài ngôn ngữ khác.
Sau nhiều lần phải bỏ dở con đường hội họa, Bùi Chát cầm cọ lại một cách chuyên tâm vào năm 2019 và hiện đang chủ trương một lối hội họa riêng có tên gọi là Hội họa Tình huống.
"Gieo dó ngồi ngó" là triển lãm thứ 9 của Bùi Chát. Bộ sưu tập gồm 23 bức tranh mực tàu màu nước trên giấy dó được anh sáng tác chủ yếu trong năm 2022, và vài bức trong năm 2024.
Tác giả đã ứng dụng một kỹ thuật riêng biệt, cộng với bút pháp linh hoạt, lúc mềm mại uyển chuyển lúc mạnh mẽ dứt khoát, đã tạo ra những bức tranh màu nước có hiệu ứng như sáp dầu.
|
Họa sĩ Bùi Chát. Ảnh: BTC |
Tuy vẫn sử dụng phong cách nghệ thuật đặc trưng của mình, nhưng trong loạt tranh Gieo dó này, Hội họa tình huống của Bùi Chát đã được biến ảo phù hợp trên chất liệu mới là giấy dó, tạo nên một bề mặt lạ, vừa theo hướng thể nghiệm đương đại vừa gợi nhớ hội họa truyền thống phương đông.
Chia sẻ thêm về thông điệp của cuộc triển lãm, Bùi Chát cho biết: “Gieo dó là một kiểu gieo nghệ thuật, gieo tinh thần của tác giả vào chất liệu mới là giấy dó. Tác giả tự ý thức đây chỉ là bước khởi đầu trong một địa hạt mới, nói cách khác là khởi đầu cho một hành trình mới của nghệ thuật”.
|
Tác phẩm trong triển lãm Gieo dó ngồi ngó của Bùi Chát. Ảnh: BTC |
Nhận xét về triển lãm của Bùi Chát, nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng nói: “Gieo dó ngồi ngó" được thể hiện bằng phong thái đầy những cử chỉ mang tính nhịp điệu, có cấu hình đậm đặc đường nét như nghệ thuật thư pháp, làm ta nhớ tới tranh của Mark Tobey.
Bằng một năng lượng tự phát hay một nguyên tắc mà trong nghệ thuật thư hoạ gọi là “khí vận sinh động”, có thể xem đây là một loại thư pháp trừu tượng chủ yếu với những nét mực, màu khô cùng nước trên bề mặt và đặc tính thẩm thấu của giấy, tất cả hòa quyện vào từng cử chỉ mang nhịp điệu, như hiệu ứng của cảm giác kèm (synaesthesia) mà Kandinsky nêu ra, và ta có thể thấy màu sắc đồng thời cùng với âm thanh tương ứng”.
Trong khi nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận xét: “Tuy mới “xuất hiện”, nhưng nghệ thuật Bùi Chát là “một quá trình” tìm kiếm và sáng tạo với tinh thần tự do rất đáng chú ý. Mỗi triển lãm của Bùi Chát, là một trình hiện nghệ thuật khác.
Ở tư cách người viết phê bình, bao nhiêu năm nay, khi bắt đầu lập “folder” (thư mục) về một hoạ sĩ nào đó, là tôi bắt đầu cho một vụ “đặt cược”. Đặt cược vào tương lai. Khi lập “Folder Bùi Chát”, tôi tin, Bùi Chát rồi sẽ đi xa, và có nhiều đóng góp trong nghệ thuật”.