Bước chuyển mình trên quê hương Giao An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2017, xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã sạch đẹp, trải dài. Đó là những điều dễ nhận thấy nhất khi đến với Giao An, vùng quê nghèo nay đã “thay da đổi thịt”, đời sống người dân được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững.
Nhà văn hóa xóm 2, xã Giao An, huyện Giao Thủy, Nam Định được đầu tư khang trang.
Nhà văn hóa xóm 2, xã Giao An, huyện Giao Thủy, Nam Định được đầu tư khang trang.

Những năm 2010 trở về trước, xã Giao An là một trong những xã nghèo của huyện Giao Thủy, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Khi Đảng và Nhà nước có chủ trương vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, cùng với các địa phương khác của tỉnh Nam Định, chính quyền và nhân dân xã Giao An bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới với nhiều thử thách.

Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Giao An chia sẻ: "Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến tới người dân bằng nhiều hình thức.

Mô hình trồng lúa “Cánh đồng mẫu lớn” cũng tích cực được chính quyền và nhân dân Giao An triển khai, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương như: nghề may mặc, mộc, xây dựng, cơ khí, dịch vụ, chăn nuôi thủy hải sản mang tính bền vững, nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã.

Trên cơ sở những thành tích và kết quả đã đạt được, phát huy thế mạnh của địa phương và tranh thủ sự đồng lòng ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, Giao An sẽ là một xã mạnh về kinh tế, điển hình về xây dựng nông thôn mới của huyện Giao Thủy nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung".

Trong những năm đầu xây dựng nông thôn mới, xã Giao An đã tập trung triển khai các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Bên cạnh đó hình thành chuỗi liên kết giữa nhà khoa học - người nông dân và tiểu thương; thu hút các dự án phát triển về nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây trồng, vật nuôi.

Nhằm động viên, khích lệ người dân đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới, xã Giao An còn thường xuyên nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình, gương mẫu trong phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới” trên hệ thống loa truyền thanh để người dân học tập, noi theo.

Đường làng, ngõ xóm được giữ gìn sạch – đẹp

Đường làng, ngõ xóm được giữ gìn sạch – đẹp

Năm 2017 xã Giao An vinh dự được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, là minh chứng cho tinh thần đoàn kết và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã.

Mặc dù về đích trước 3 năm so với thời hạn của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2020 nhưng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Giao An kết quả đó là tiền đề để địa phương phấn đấu đạt được những mục tiêu cao hơn nữa trong giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo.

Để xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) nâng cao, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này. UBND xã xây dựng Đề án xã NTM nâng cao với mục tiêu đề ra là duy trì, phát huy vai trò chủ thể của người dân nhằm nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh.

Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã tiến hành rà soát từng tiêu chí, lập kế hoạch thực hiện theo từng nhóm tiêu chí: phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển kinh tế để tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trên đà phát triển, bằng việc đẩy mạnh kiến thiết cơ sở hạ tầng, tích cực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, diện mạo nông thôn mới của xã Giao An có nhiều chuyển biến tích cực, rõ rệt. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 49,5 triệu đồng/người/năm; năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên 56,16 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2019 là 1,43%, đến năm 2020 giảm còn 0,66%; hệ thống trường học 3 cấp từ Mầm Non, Tiểu học đến THCS đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2; Trạm y tế xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020.

Không chỉ tập trung vào việc nâng cao đời sống cho người dân, xã cũng đã tổ chức cho cán bộ chủ chốt đi tham quan học tập mô hình xây dựng NTM nâng cao tại các địa phương khác; lựa chọn xóm 2 và xóm 15 làm điểm xây dựng xóm NTM nâng cao để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra cả 22 xóm trong xã.

Đến đầu năm 2020, hệ thống giao thông nông thôn của xã được nâng cấp đồng bộ đảm bảo kết nối hài hòa từ đường trục xã, đường liên thôn xóm, dong ngõ đến đường trục chính nội đồng, khắc phục các vị trí điểm nghẽn nút “cổ chai” tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông thuận lợi, nhất là xe chở hàng hóa.

Cụ thể, xã đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp 3,5km đường giao thông nông thôn, trong đó có tuyến đường trục xã dài 2,34km quy mô mặt đường rộng 4,5m láng nhựa và bê tông hóa 3 tuyến đường từ các xóm, liên xóm đến đê Trung ương với tổng kinh phí là 9,6 tỷ đồng.

Với phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã trích ngân sách hỗ trợ 110 triệu đồng cho 8 xóm cải tạo, nâng cấp gần 2km đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư 860 triệu đồng (trong đó người dân đóng góp 750 triệu đồng); phối hợp với ngành Điện đầu tư 15 tỷ đồng lắp đặt mới 3 trạm biến áp, nâng tổng số trạm trên địa bàn toàn xã lên 17 trạm đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã luôn nâng cao tinh thần, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở xây dựng Nghị quyết chi bộ. Ngoài ra, kiến thiết cơ sở hạ tầng như: xây dựng nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm, hệ thống chiếu sáng, tiêu thoát nước khu dân cư, kiên cố hóa đường giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp là mục tiêu, cũng là động lực để chính quyền và nhân dân Giao An nỗ lực thực hiện trong xuyên suốt chặng đường phát triển..

Đọc thêm