Kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, vai trò của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã trên toàn quốc nói chung và ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình nói riêng đã được nâng lên rõ rệt, với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp, hỗ trợ cùng NHCSXH thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội.
Qua 5 năm thực hiện tín dụng chính sách giai đoạn 2015-2020, đến nay hoạt động của NHCSXH huyện Tuyên Hóa đã tăng về cả nguồn vốn và dư nợ cho vay, nguồn vốn Ngân sách huyện chuyển bổ sung là 2.537 triệu đồng (tăng 1.987 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ), nâng cao được chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH huyện Tuyên Hóa đã thực hiện cho vay 15 chương trình tín dụng (tăng thêm 5 chương trình); tổng doanh số cho vay (từ 2015-2020) là 846,5 tỷ đồng với 32,6 ngàn lượt hộ vay vốn; tổng doanh số thu nợ là 601,6 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đạt 537 tỷ đồng (tăng 246,6 tỷ đồng, tăng 85%) với 11,3 ngàn khách hàng dư nợ, bình quân dư nợ 47,5 triệu đồng/hộ, đưa Tuyên Hóa là đơn vị có tổng dư nợ cho vay lớn nhất trong 8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Cơ cấu nguồn vốn dư nợ cơ bản đồng đều giữa các chương trình tín dụng nhưng chủ yếu vẫn là dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, dư nợ hai chương trình này là 256 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 47,6% trong tổng dư nợ, còn lại là các chương trình tín dụng khác. Về chất lượng tín dụng, tổng nợ quá hạn là 358 triệu đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,07%/tổng dư nợ (giảm 567 triệu đồng, về tỷ lệ giảm 0,25% so với đầu nhiệm kỳ), có 12/19 xã, thị trấn không có dư nợ quá hạn, chiếm 63% số xã (tăng thêm 11 xã không có nợ quá hạn).
|
Mô hình được đầu tư nhờ vốn vay NHCSXH của chị Trần Thị Liên ở xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình. |
Mạng lưới hoạt động tín dụng chính sách xã hội sâu rộng đến 100% thôn, bản, tiểu khu trên địa bàn huyện. NHCSXH đã thực hiện ký Văn bản liên tịch với 4 tổ chức chính trị - xã hội huyện: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Có 76/76 tổ chức Hội đoàn thể cấp xã nhận ủy thác (mỗi xã đều có 4 tổ chức Hội đoàn thể tham gia ủy thác), tạo sự hài hòa và tính thi đua giữa các tổ chức Hội đoàn thể làm ủy thác.
Mạng lưới 314 Tổ tiết kiệm và vay vốn trải dài đến tất cả các thôn, bản, tiểu khu, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng phủ kín đến tất cả các thôn, bản trên địa bàn huyện. 19 điểm giao dịch xã được thành lập và thực hiện giao dịch mỗi tháng tối thiểu 1 phiên để phục vụ việc giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi khách hàng tại nơi cư trú.
Theo số liệu thống kế đến nay đã có 6,4 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn; có 3,5 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư nhờ nguồn vốn vay; có 3,8 ngàn học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; có 331 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn là nhà ở; có gần 6 ngàn lao được tạo việc làm nhờ nguồn vốn vay.
Một điều rất đặc biệt đó nữa là hình ảnh, uy tín của NHCSXH được nâng lên rõ rệt, uy tín với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, uy tín đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, vai trò của NHCSXH đã được khẳng định rõ nét nhất, đã thực sự là công cụ xóa đói giảm nghèo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương là những người bạn đồng hành của người dân.