Cà Mau hạn chế tổ chức liên hoan để khắc phục hậu quả thiên tai

(PLVN) - Chiều 20/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân có công văn hỏa tốc chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về để người dân chủ động, ứng phó, cảnh báo thiệt hại và biện pháp phòng, chống đối với diện tích lúa hè thu tại huyện Trần Văn Thời.

Cà Mau hạn chế tổ chức liên hoan để khắc phục hậu quả thiên tai

Huy động giúp dân thu hoạch lúa

Theo đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê kịp thời, đầy đủ, chính xác các thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh (về sản xuất, cơ sở hạ tầng, nhà ở...).

UBND các huyện, thành phố rà soát, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và giúp các hộ có nhà ở bị thiệt hại sớm sửa chữa, khắc phục để ổn định chỗ ở.

Lực lượng dân quân tự vệ giúp người dân thu hoạch lúa bị ngập tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).
 Lực lượng dân quân tự vệ giúp người dân thu hoạch lúa bị ngập tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Đồng thời, UBND huyện Trần Văn Thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục rà soát, huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực để giúp dân thu hoạch lúa; vận động doanh nghiệp thu mua hết lúa đã thu hoạch; gia cố bờ bao, đắp đập tạm để khoanh ô thủy lợi ở những nơi có khả năng khép kín, lúa ít bị thiệt hại hoặc có thể thu hoạch, tích cực bơm nước ra bên ngoài, kết hợp vận hành hệ thống cống khi thủy triều xuống thấp để chống ngập úng, bảo vệ sản xuất.

Vận động người dân chủ động chuẩn bị lúa giống để khôi phục sản xuất đối với diện tích lúa - tôm bị thiệt hại, không để trễ mùa vụ (lưu ý chọn các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao); hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, chống tràn, tránh thất thoát thủy sản nuôi, thả giống nuôi phù họp và thực hiện tốt các biện pháp quản lý, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.

Sở Giao thông vận tải tỉnh chủ trì, phối họp với UBND các, huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục rà soát các vị trí ngập sâu, đoạn đường hỏng (ổ gà) bị ngập, vị trí cống bị hư hỏng,... thông báo trên phương tiện thông tin truyền thông và cắm biển cảnh báo để người tham gia giao thông biết, tránh để xảy ra tai nạn.  

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố có liên quan đẩy nhanh tiến độ khắc phục những hạng mục công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai hư hỏng, xuống cấp; các vị trí xung yếu trên đê biển, đê sông; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết (lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị hộ đê, giải pháp thực hiện), nhằm ứng phó kịp thời với mọi tình huống, tuyệt đối không để vỡ đê.

Tổng vệ sinh môi trường trước ngày 24/10

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân yêu cầu UBND các huyện, thành phố huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khai thông cống, rãnh đảm bảo tiêu thoát nước nhanh chóng; tổng vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn thành phố Cà Mau và khu vực đô thị của các huyện, đảm bảo vẻ mỹ quan đô thị, thời gian hoàn thành trước ngày 24/10; phối họp với Sở Y tế chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy...

Người dân tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vất vả thu hoạch diện tích lúa bị ngập sâu trong nước do thiên tai.
 Người dân tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vất vả thu hoạch diện tích lúa bị ngập sâu trong nước do thiên tai.

Thời tiết đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người dân tạm thời hạn chế tổ chức các buổi liên hoan, vui chơi, giải trí và các hoạt động chưa thật sự cần thiết, nhằm tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sông nhân dân.

Trên 20.000 ha lúa bị ngập

Những ngày qua, do liên tục bị ảnh huởng của áp thấp nhiệt đới, bão số 5, sổ 6 và số 7, trên địa bàn tỉnh xảy ra mua lớn, kèm theo dông, lốc xoáy, kết hợp triều cường dâng cao, làm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 4.585 mét, sập 18 căn nhà và tốc mái 56 căn nhà dân; ngập 20.981 ha lúa, 267 ha rau màu, 3.806 ha nuôi trồng thủy sản; nhiều tuyến đường bị ngập, hư hỏng cục bộ nhiều vị trí, ảnh hưởng đến giao thông đi lại, nghiêm trọng nhất là các tuyến đường nội ô thành phố Cà Mau.

Đọc thêm