Trước thực tế trên, việc khắc phục thiệt hại do hạn hán được tỉnh triển khai tích cực, tuy nhiên còn gặp những khó khăn, hạn chế, như: dân cư sống phân tán nên việc xây dựng hệ thống cấp nước nối mạng suất đầu tư cao; việc khắc phục sụt lún vùng ngọt phải chờ đến mùa mưa mới có nước để vận chuyển vật tư.
Tuy nhiên, đến mùa mưa thì lại khó thi công. Việc bơm bùn vào các kênh, mương để ngăn chặn sụt lún đất rất có hiệu quả (đã ngăn chặn được sụt lún đê biển Tây, đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc), nhưng lại gây nhiễm mặn, thiệt hại cho sản xuất vùng ngọt hóa. Bên cạnh đó, công tác rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại của một số địa phương còn chậm, chưa chính xác, việc hỗ trợ khắc phục hậu quả một số nơi chưa kịp thời; nguồn kinh phí khắc phục thiệt hại còn hạn chế.
|
Trong đợt thiên tai vừa qua, đã huy động lực lượng Dân quân, bộ đội địa phương, thanh niên xung kích giúp dân thu hoạch lúa. |
Hiện nay tỉnh Cà Mau chưa đề xuất được biện pháp phòng, chống sụt lún vùng ngọt hoá do không có nguồn nước ngọt bổ sung khi gặp hạn hán bất thường. Vùng sản xuất lúa - tôm chưa được đầu tư hạ tầng thuỷ lợi hoàn chỉnh, khi gặp tình huống hạn hán xảy ra sớm, bất thường trước khi thu hoạch thì diện tích lúa - tôm bị thiệt hại.
Ngay sau đại hạn lịch sử là mưa lớn kéo dài, cùng với triều cường lên cao với đỉnh triều lịch sử trong 30 năm trở lại đây đã gây ngập, làm diện tích sản xuất bị thiệt hại từ 30% đến 100% hơn 18.000 ha. Hiện tại tỉnh Cà Mau đã thẩm định hồ sơ, đề xuất hỗ trợ thiệt hại khôi phục sản xuất cho người dân thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời. Cùng với đó, tỉnh Cà Mau đang khẩn trương thẩm định hồ sơ đề xuất hỗ trợ thiệt hại đối với các địa phương còn lại.
|
Tuyến đường Nguyễn Trải (phường 9, TP. Cà Mau) dài khoảng 3 km có rất nhiều đá nhỏ trên mặt đường do người dân và chính quyền địa phương thực hiện nhằm xử lý nhằm hạn chế tai nạn vì mặt đường xuống cấp do ngập trước đây. |
Đối với các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đơn vị quản lý đã triển khai dặm vá, sửa chữa, đến nay cơ bản đảm bảo đi lại của người dân. Riêng các hư hỏng lớn như đường Nguyễn Trãi thuộc Quốc lộ 63, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức khảo sát hiện trường, Cục Quản lý đường bộ IV đang làm việc, thống nhất với UBND thành phố Cà Mau về giải pháp sửa chữa, trình Tổng cục xem xét, quyết định. Đối với các đoạn ngập do triều cường thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất bố trí 1,5 tỷ đồng để khắc phục tạm thời.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau cũng đã tham mưu, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương xem xét ưu tiên nâng cao độ mặt đường, đảm bảo an toàn đi lại cho người dân. Đối với hệ thống đường tỉnh, Sở GTVT đã thực hiện xong việc dặm vá, sửa chữa mặt đường, đảm bảo an toàn đi lại cho người dân.
|
Tiến hành xử lý, khắc phục những vị trí hư hỏng sau thời gian bị chia cắt từ ảnh hưởng của thiên tai. |
|
Đường ô tô bị sụt lún do hạn, chưa kịp khôi phục thì mưa và triều cường tiếp tục dâng cao làm cho các tuyến đường giao thông bị chia cắt. |
Đối với các đoạn hư hỏng lớn, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đã chủ động lập hồ sơ thiết kế - dự toán với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng, đang khẩn trương triển khai thực hiện công tác sửa chữa, dự kiến đến 15/12/2020 hoàn thành việc sửa chữa các hư hỏng lớn.
Trước đó, ông Bùi Tứ Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau - cũng đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý đường bộ IV trong thời gian chờ hoàn thiện các thủ tục triển khai duy tu, nâng cấp, đơn vị phải thực hiện láng nhựa hoặc đổ bê tông mặt đường tại các vị trí xuống cấp trên đường Quốc lộ 63 (đoạn đi qua địa phận TP. Cà Mau) trước Tết Nguyên đán để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh của người dân.
Đồng thời, Cà Mau cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ trong thực hiện nghiên cứu quy hoạch đối với vùng ngọt hoá của tỉnh. Một thực tế chỉ ra rằng trong lập quy hoạch vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, vùng ngọt hoá của tỉnh tiếp tục được quy hoạch sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, tuy nhiên, trong nghiên cứu quy hoạch lại chưa xác định được phương án cấp nước ngọt từ Sông Hậu về vùng này, để rồi điệp khúc khi nắng thì thiếu, mưa lại thừa, sản xuất thiếu bền vững, đời sống người dân chưa ổn định.