Cà Mau lên Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay (6/3), thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Dự kiến, tỉnh sẽ tiêm mũi 1 vào quý II năm 2022.

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, trẻ sinh sống và học tập từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh có khoảng 147.318 trẻ. Loại vaccine tiêm đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi; theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất.

Công tác lập danh sách trẻ em và học sinh đăng ký tiêm vaccine COVID-19, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT; Sở LĐ-TB&XH và UBND các huyện, TP. Cà Mau chỉ đạo, rà soát các trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đang đi học và không đi học tại địa phương.

Theo Sở Y tế, tại các trường trên địa bàn tỉnh, học sinh mắc COVID-19 chủ yếu trong độ tuổi Tiểu học và Mầm non (Ảnh minh hoạ).

Theo Sở Y tế, tại các trường trên địa bàn tỉnh, học sinh mắc COVID-19 chủ yếu trong độ tuổi Tiểu học và Mầm non (Ảnh minh hoạ).

Trong đó, trẻ em học tại cơ sở giáo dục (công lập và ngoài công lập) tổ chức tiêm tại cơ sở giáo dục hoặc điểm tiêm chủng được cơ sở giáo dục phối họp với chính quyền địa phương và ngành y tế lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đối với trẻ em không đi học thì tổ chức tiêm tại điểm tiêm chủng cố định Trạm Y tế hoặc các bàn tiêm lưu động trên địa bàn, do UBND huyện, thành phố lựa chọn.

Riêng, đối với trẻ em có bệnh nền, trẻ đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Sản - Nhi và các cơ sở y tế có giường bệnh thì tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có giường bệnh (các trường hợp tiêm vượt quá khả năng của các cơ sở y tế có giường bệnh, lập danh sách chuyển tiêm tại điểm tiêm Bệnh viện Sản – Nhi).

Nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ em, UBND tỉnh lưu ý phải kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phân luồng từ bước tiếp đón đến bước cấp giấy xác nhận, kể cả đối với người hoãn tiêm hoặc chống chỉ định; đảm bảo an toàn giãn cách đúng quy định, chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp và nhập liệu đầy đủ thông tin và kết quả của trẻ đến tiêm trên Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Đòng thời, tư vấn cho phụ huynh hoặc người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vaccine và giải thích những phản ứng có thế gặp sau tiêm chủng. Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng. Cha/mẹ/người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ em).

Trong thời gian triển khai, thực hiện giám sát và báo cáo nhanh các trường hợp phản ứng nặng, cụm phản ứng sau tiêm chủng theo quy định. Tại tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu.

Bố trí các đội cấp cứu lưu động hoặc có đội cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ khi có thông báo sự cố tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời các trường họp tai biến nặng sau tiêm chủng nếu có.

Theo đánh giá chung của Sở Y tế tỉnh, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong ngày trên địa bàn tỉnh đang tăng trở lại, lý do là một bộ phận lớn người dân có biểu hiện lơ là, chủ quan, xem nhẹ công tác phòng, chống dịch COVID-19, không nghiêm túc thực hiện tốt Thông điệp 5K của Bộ Y tế khuyến cáo.

Vì vậy, Ban phòng, chống dịch COVID-19 tại các huyện/thành phố cần sát sao hơn trong công tác quản lý và tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là Thông điệp 5K bên cạnh thực hiện các biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (bao gồm cả mũi tiêm nhắc) khi đến lượt.

Trong ngày 5/3, ghi nhận 459 ca mắc mới là đối tượng Giáo viên và Học sinh (31 giáo viên và 428 học sinh) tại các trường trên địa bàn tỉnh, học sinh mắc COVID-19 chủ yếu trong độ tuổi Tiểu học và Mầm non (<12 tuổi), chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 (196 F0 chiếm 55,1%), đây là một con số đáng quan ngại, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của phụ huynh cũng như sự an toàn cho các em học sinh khi quay trở lại trường học.

Tuy đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với sự xuất hiện của F0 trong trường học cũng như nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh cũng đã chuẩn bị tâm lý nhưng trước diễn tiến phức tạp của dịch bệnh, số lượng học sinh mắc COVID-19 trong trường học ngày một tăng. Vì vậy Ngành Y tế - Nhà trường - Phụ huynh học sinh và Ban phòng, chống dịch COVID-19 địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả để Giáo viên và Học sinh an tâm đến trường dạy và học.

Đọc thêm