Theo đó, địa bàn xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông và vùng dịch uy hiếp xã Tân Bằng; vùng đệm gồm thị trấn Thới Bình, xã Biển Bạch và xã Trí Lực.
Nhằm tránh tình trạng Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên diện rộng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình chỉ đạo thực hiện tiêu hủy heo bệnh đúng quy trình, thực hiện vệ sinh môi trường, ứng phó, xử lý sự cố môi trường theo quy định; kịp thời bố trí kinh phí để chống dịch và hướng dẫn thủ tục hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có heo bị dịch bệnh tiêu hủy theo quy định.
|
Tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại nuôi heo (lợn) theo quy định (Ảnh minh họa). |
Đồng thời, UBND xã Biển Bạch Đông (xã có dịch), nhanh chóng bao vây, dập tắt ổ dịch tả heo châu Phi và thực hiện phương án chống dịch, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan diện rộng; theo dõi, tổng hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh hàng ngày và báo cáo về UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện, UBND các xã, thị trấn thuộc vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm thực hiện các biện pháp đồng bộ, quyết liệt chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn có hiệu quả.
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân cũng ban hành Quyết định công bố Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Việt Thắng và vùng dịch uy hiếp xã Tân Hưng Tây; vùng đệm gồm các xã Phú Thuận và Gạch Chèo. Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân chỉ đạo tiêu huỷ toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Thành lập các Chốt kiểm soát vận chuyền, các sản phẩm từ lợn và thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm ra bên ngoài.
Tổ chức kiểm soát không để lợn và sản phẩm lợn được vận chuyển ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm; không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng đệm, vùng bị uy hiếp.
Đồng thời, công bố hết dịch theo quy định của Luật thú y và quy định hiện hành, sau 21 ngày kể từ khi tiêu huỷ con lợn bệnh cuối cùng mà không có con nào mắc bệnh; đồng thời, đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch bảo đảm không còn mầm bệnh để phát sinh ổ dịch mới hoặc lây lan nơi khác.