Cà Mau tăng tốc phát triển bền vững

(PLVN) - Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hoá Nghị quyết của Đại hội bằng các chương trình hành động, đề án, nghị quyết chuyên đề phù hợp với địa phương. Nhờ đó, nhiệm kỳ qua Cà Mau đã đạt được những kết quả khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau.

Cơ bản đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng

Nhiệm kỳ qua, trong 13/20 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt, đa số các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội ở mức khá trong khu vực; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao, mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đạt.

Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. 

Tỉnh Cà Mau đã tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, có phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, chuyên nghiệp. Xác định khâu đột phá trong cải cách hành chính là thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và thành lập Phòng Cải cách hành chính trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh nhằm giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân, nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. 

Nhờ những nỗ lực đó, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Cà Mau năm 2019 đạt thứ hạng 45/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2015 tăng 14 bậc. Đặc biệt chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 đạt thứ hạng 3/63 tỉnh, thành phố và đứng đầu trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. 

Đối với phát triển nguồn nhân lực, từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng nguồn nhân lực đạt mức trung bình so với cả nước, trong đó có một số lĩnh vực như: chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm, khai thác thủy sản... đạt trình độ khá trong khu vực. 

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở đạt chuẩn theo quy định; thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức ở nước ngoài; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, khu vực nông thôn... Nhờ những nỗ lực đó, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh từng bước nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh tập trung đầu tư vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao; quyết liệt thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công – tư; huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Hiện, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển như: Cầu Hòa Trung II, đường hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn đến Đất Mũi, đường trục chính Đông - Tây, đường Bờ Nam Sông Đốc - Quốc lộ 1A, đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, đường ô tô về trung tâm xã; bệnh viện, trạm y tế, trường học, các thiết chế văn hóa, nâng cấp đô thị thành phố Cà Mau được hoàn thành, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tạo động lực to lớn từ các phong trào thi đua 

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tặng hoa đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. 

Góp phần vào kết quả chung trong nhiệm kỳ qua, có vai trò rất quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu trong văn kiện Đại hội đảng bộ, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh các phong trào thi đua. Nhiều nơi đã tích cực đổi mới về nội dung, hình thức thi đua, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. 

Các phong trào thi đua của tỉnh tập trung vào khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh; huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả tài nguyên biển; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế; xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; giảm thiểu tai nạn giao thông; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí...

Qua các phong trào thi đua đã tạo động lực tinh thần to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực… 

Trong 5 năm qua, đã có khoảng 18.810 lượt tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước. Trên lĩnh vực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cà Mau đã có 34/82 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, trên 2.500 tập thể và 4.000 cá nhân được khen thưởng trong học tập và làm theo Bác góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội, tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bí thư  Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. 

Tự tin bước vào nhiệm kỳ mới

Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai, quán triệt Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn bản có liên quan sát hợp với tình hình địa phương. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 03 tiểu ban (văn kiện, nhân sự, tổ chức phục vụ đại hội), ban hành Kế hoạch số 126-KH/TU về thực hiện Chỉ thị số 35- CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 02-HD/TU về một số nội dung công tác nhân sự cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở trong Đảng bộ tỉnh. 

Qua quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy định, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cơ bản hoàn thành các công việc trọng tâm, dự kiến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI chính thức khai mạc vào ngày 27/10. 

Về nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khoá XVI, có thể nói đây là việc quan trọng, đảm bảo sự thành công của Đại hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao và khả năng đáp ứng của cán bộ, Ban Thường vụ tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, các chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh; các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. 

Đến nay, Cà Mau đã hoàn thành các quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mọi quy trình đều được thực hiện chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan, công tâm, chất lượng, đúng quy định của Đảng.

Quá trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhất là ở những vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo. 

Có thể nói, với những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được cùng với sự chuẩn bị chu đáo cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Cà Mau tự tin bước vào nhiệm kỳ mới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm năng lượng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2045, Cà Mau hoàn thiện hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực được nâng cao, kinh tế công nghiệp năng lượng phát triển bền vững, thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đọc thêm