Phát triển đa chiều, liên kết tất cả các lĩnh vực, thành phần kinh tế
Theo định hướng phát triển, mục tiêu tổng quát của tỉnh về phát triển kinh tế trong giai đoạn tới là “ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch”. Đây là mệnh đề gắn liền, có mối liên kết chặt chẽ với nhau, bổ trợ lẫn nhau và không thể đặt riêng rẽ. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cách tiếp cận trong phát triển kinh tế hiện nay là đa chiều, liên kết tất cả các lĩnh vực kinh tế, thành phần kinh tế để tận dụng thế mạnh của nhau cùng phát triển.
Lý giải về định hướng này, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, Hậu Giang là địa phương có thế mạnh nông nghiệp nhưng cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm 24,6% nền kinh tế, sản xuất chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, phải tập trung vào công nghiệp chế biến, thương mại hóa các sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị, chất lượng nông sản. Song song đó, chúng ta cũng phải phát triển lĩnh vực thương mại để giải quyết vấn đề thị trường cho nông sản.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (giữa), thực hiện nghi thức công bố các hệ thống thông tin. |
“Tóm lại, chúng ta ưu tiên phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản vì đây là lĩnh vực tỉnh còn yếu và phải gắn với sản xuất và tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh. Như vậy, chúng ta mới có thể phát huy tốt được tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Theo ông Châu, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực 3 nhiệm vụ đột phá tạo động lực mới cho Hậu Giang phát triển: “Muốn phát triển địa phương thì phải nhận định được cho trúng, cho đúng tiềm năng, lợi thế của tỉnh là gì? Trên cơ sở đó đề ra tầm nhìn, hướng đi và định vị mục tiêu của tỉnh trong giải đoạn phát triển mới”. Đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương trong khu vực. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp.
Ý thức được Hậu Giang không có nhiều lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên, nên tỉnh cần phải tự tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính mình thông qua công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách tại địa phương, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp.
Tỉnh thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của Tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với 3 nhóm nhiệm vụ đột phá, nhiệm kỳ 2020-2025, Hậu Giang đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu.
“Để đạt được kết quả cao, chất lượng bền vững thì cả hệ thống chính trị phải sớm vào cuộc thực hiện. Giải pháp thì có nhiều, từng chỉ tiêu, nhiệm vụ đột phá có nhóm giải pháp cụ thể, được đề ra trên cơ sở thực tế, có tính khả thi cao; có nhóm giải pháp phát huy, nhân rộng, kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ, tranh thủ...”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu.
“Đoàn kết là tài sản quý giá của Hậu Giang”
Trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,3%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt 49,96 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ. Các nhiệm vụ trọng tâm đều cơ bản hoàn thành và 16/18 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt. Đặc biệt, nhiều nội dung trong 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ đạt kết quả trước thời hạn.
Các đại biểu tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. |
Để có được những thành tựu đó, là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự liên kết giúp đỡ có hiệu quả của các địa phương trong vùng và cả nước. Đặc biệt, là sự đoàn kết thống nhất, quyết tâm cao trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân đã thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Theo cách nói của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu: “Sự đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân là tài sản vô cùng quý giá của tỉnh Hậu Giang”.
Khi được hỏi về những bài học kinh nghiệm đúc kết để tiếp tục đưa Hậu Giang phát triển, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng khẳng định: “Theo tôi, cốt yếu vẫn là bài học về đoàn kết. Giữ vững sự đoàn kết, dân chủ, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Bài học này đã được đúc kết sau hơn 16 năm phát triển tỉnh nhà”.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, năng lực, trách nhiệm và phẩm chất đạo đức của người đứng đầu cũng hết sức quan trọng, thể hiện thông qua sự linh hoạt trong xử lý công việc và sâu sát, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, khi gặp vấn đề khó cần nỗ lực, quyết liệt để giải quyết, không trông chờ, ỉ lại vào cấp trên; dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất và dám chịu trách nhiệm; cán bộ phải có tâm huyết, tình yêu quê hương, cống hiến trước hết vì lợi ích chung của tập thể, và sự phát triển của quê hương.