Các đơn vị phòng chống dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm thực phẩm cho bộ đội

(PLVN) - Ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho bộ đội, các đơn vị trong toàn quân đã có các biện pháp phòng bệnh cho đàn lợn và thịt lợn đưa vào bữa ăn là sản phẩm chăn nuôi của đơn vị, kiên quyết không để dịch xâm nhiễm. Đến nay, chưa có báo cáo xác nhận đàn lợn của các đơn vị quân đội bị dịch tả lợn châu Phi.
Nhân viên chăn nuôi Tiểu đoàn 14, Lữ đoàn 283 phun thuốc phòng dịch cho đàn lợn. Ảnh Mạnh Hùng
Nhân viên chăn nuôi Tiểu đoàn 14, Lữ đoàn 283 phun thuốc phòng dịch cho đàn lợn. Ảnh Mạnh Hùng

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc ngày 23/8/2018, sau một tuần, Việt Nam đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngăn chặn từ xa bằng các biện pháp kiểm soát cửa khẩu, biên giới. Tuy nhiên, đến ngày 1/2/2019, ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên, sau đó lan rộng khắp cả nước.

Một tuần qua, ba trong năm tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, gồm Gia Lai và Đắk Nông và Đắk Lắk. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 48 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với 2 triệu con lợn (117.000 tấn) bằng 6,5% tổng đàn lợn toàn quốc bị tiêu huỷ. Dự báo thời gian tới, với tình hình thời tiết phức tạp, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc thù của bệnh, nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi chưa có; quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày.

Hiện nay, các đơn vị quân đội nuôi khá nhiều lợn nhằm cung cấp thực phẩm tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ. Nhưng do phòng chống tốt, chưa có đàn lợn của đơn vị nào bị dịch. Để chống dịch, hàng ngày bộ phận chăn nuôi các đơn vị đều vệ sinh cơ giới, rắc vôi bột quanh khu chăn nuôi; định kỳ 1-2 lần/tuần tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, phương tiện ra vào bằng các hóa chất: Bencozid, iodine, handiol…; cổng khu chăn nuôi đều có hố khử trùng; hạn chế tối đa người ra vào chuồng trại và phun thuốc phòng dịch trực tiếp lên đàn lợn...

Lợn nuôi tận dụng lượng thức ăn thừa tại bếp, khai thác thêm sản phẩm tăng gia như chuối, bèo, rau, củ rồi nấu lại kỹ mới cho lợn ăn, ngoài ra còn sử dụng lá chanh, vỏ cam, vỏ bưởi, sả để xông cho đàn lợn. Tổ chức chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất con giống đến nuôi dưỡng, giết mổ, chế biến và sử dụng sản phẩm.

Đối với địa bàn có dịch, chỉ sử dụng con giống của đơn vị. Những đơn vị ở địa bàn chưa có dịch mà chưa tự túc được định lượng thịt hay con giống thì phải mua tại các cơ sở có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, nuôi cách ly để theo dõi trước khi nhập chuồng.

Thượng tá Đinh Viết Liệu, Phó Trưởng phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Quân khu 4 cho biết: “Số đầu lợn trong Quân khu 4 hiện nay gần 13.300 con, đây là nguồn cung cấp thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của bộ đội.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, tỷ lệ chết 100% và chưa có vắc xin, thuốc điều trị, vì vậy, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị hạn chế tái đàn, huy động mọi nguồn lực, phương tiện làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Với phương châm “phòng hơn chống, lấy phòng làm chính”, toàn Quân khu kiên quyết không để dịch bệnh ảnh hưởng đến đàn lợn, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác chăn nuôi theo đúng Chỉ lệnh công tác Hậu cần năm 2019”.

Mới đây, đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần đã đến kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Quân đoàn 1. Đại tá Lê Bá Thành, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1 cho biết: “Hiện nay, toàn quân đoàn có khoảng 5.540 con lợn, tập trung ở tất cả các đơn vị đầu mối. Mặc dù các địa phương trên địa bàn đóng quân đều đã công bố dịch, có những vùng dịch xuất hiện đã 3 tháng, song đến nay, toàn quân đoàn vẫn an toàn tuyệt đối, chưa để dịch tả lợn châu Phi lây lan vào đơn vị”.

Sau khi nắm tình hình chung của quân đoàn, đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Trường Quân sự Quân đoàn và Lữ đoàn 368. Đây là 2 đơn vị của Quân đoàn 1 đóng quân trên địa bàn mà địa phương đã công bố dịch. Kết quả kiểm tra cho thấy, đàn lợn của 2 đơn vị vẫn bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Qua kiểm tra công tác phòng dịch, thay mặt đoàn công tác, Đại tá Phạm Tuấn Linh, Phó Cục trưởng Cục Quân nhu đã biểu dương những kết quả trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của Quân đoàn 1, trực tiếp là 2 đơn vị được kiểm tra. Phó Cục trưởng yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giúp mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hiểu rõ nguy hại của dịch tả lợn châu Phi để cùng chung tay phòng chống.

Tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại; kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, chế biến, không được tái đàn khi địa phương chưa công bố dịch; duy trì nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch theo ngành dọc.

Đồng thời, cần tăng cường liên hệ, phối hợp với thú y địa phương để nắm tình hình, từ đó triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống; thực hiện triệt để chỉ đạo “5 không”, đó là: Không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra ngoài môi trường (nếu chẳng may có dịch xảy ra tại đơn vị). 

Đọc thêm