Tỉnh Hải Dương hiện có ba ổ dịch phức tạp ở huyện Kim Thành, thị xã Kinh Môn và TP Hải Dương vì có ca mắc trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, liên quan đến doanh nghiệp và trường học.
Do đó, kể từ 0 giờ ngày 9/11, Hải Dương yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: karaoke, massage, quán bar, vũ trường, quán game internet, rạp chiếu phim... Các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh chỉ đón và phục vụ khách nội tỉnh.
Các nhà hàng ăn uống không phục vụ quá 20 khách trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng và phải đóng cửa trước 21 giờ. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà, spa, chăm sóc sắc đẹp, cắt tóc, gym, yoga… hoạt động không quá 50% công suất và không quá 20 người trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng…
Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định với nhiều ca F0 trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị chỉ đạo phong tỏa toàn bộ xã Nam Mỹ, từ 18h ngày 10/11 để tập trung phòng, chống dịch.
Theo ông Phạm Đình Nghị, đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị huyện Nam Trực cần vào cuộc với tinh thần tổ chức phong tỏa cách ly gọn nhất, để phát hiện sớm F0, không để lây lan dịch bệnh ra các địa bàn lân cận, phải coi chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên. Lực lượng Công an, Quân đội quản lý chặt chẽ vùng phong tỏa không để người dân tự do ra, vào phòng tránh lây nhiễm chéo, đồng thời chính quyền địa phương cần chuẩn bị hậu cần tốt nhất cho người dân trong vùng phong tỏa…
Dịch ngày càng diễn biến khó lường, do đó Sở Y tế Hải Phòng vừa ban hành kế hoạch đào tạo 8.720 nhân lực cho các Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng trên toàn địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch này, mỗi xã, phường trên địa bàn TP Hải Phòng sẽ chuẩn bị nhân lực cho ít nhất 1 Trạm Y tế lưu động và 10 Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng. Trong đó, mỗi Trạm y tế lưu động có 5 nhân viên và mỗi Tổ chăm sóc COVID-19 tại cộng đồng có ít nhất 10 nhân viên.
Dự kiến nhân lực cho 218 Trạm Y tế lưu động và 2.180 Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng trên địa bàn TP Hải Phòng là 8.720 người, gồm: viên chức dân số, cộng tác viên dân số, y tế thôn; nhân lực y tế tư nhân tại các phòng khám; nhân viên y tế đã nghỉ hưu; các tình nguyện viên... Trong đó, hơn 200 bác sĩ và 4.500 y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, dược sĩ...
Từ 26/10 đến nay, tỉnh Bắc Giang ghi nhận 394 ca, xuất hiện hàng loạt cụm dịch liên quan khu công nghiệp, quán karaoke, khu dân cư, trải rộng trên địa bàn các huyện: Việt Yên, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn. Huyện Yên Thế với hơn 110.000 dân phải phong tỏa từ ngày 6/11 khi ghi nhận hơn 80 F0. Địa phương kích hoạt 15 chốt kiểm dịch và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn dân. Trong đó, thị trấn Bố Hạ đã đổi màu đỏ - cấp độ dịch nguy cơ cao nhất.
Chính quyền huyện Yên Thế yêu cầu cách ly gia đình với gia đình, người dân chỉ ra ngoài khi cần thiết và không ra khỏi nhà từ 21h hôm trước tới 6h hôm sau. Các nhà máy, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã dừng hoạt động; trừ cơ sở đảm bảo phòng chống dịch được huyện phê duyệt, có nơi lưu trú, sinh hoạt cho công nhân.
Ngoài thị trấn Bố Hạ là vùng đỏ, toàn tỉnh có 7 xã phường vùng cam; 46 xã vùng vàng và 155 xã vùng xanh. Tại vùng dịch cấp độ 3-4, Bắc Giang tạm dừng hoạt động vận tải hành khách. Toàn tỉnh dừng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ, chỉ cho bán mang về; dừng đám cưới hỏi; ma chay tổ chức gọn nhẹ, ít người…
Từ ngày 6 - 10/11, tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận thêm hơn 140 ca mắc COVID -19, trong đó 58 ca tại cộng đồng. UBND tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị gấp rút xây dựng thêm các cơ sở cách ly điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.Theo đó, tỉnh đã chọn cơ sở của Công ty Cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam tại Khu công nghiệp Tứ Hạ và Công ty TNHH Tân Bảo Thành, tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà để triển khai xây dựng khu thu dung và điều trị F0 không triệu chứng. Tại 2 cơ sở này có thể thiết kế quy mô điều trị 800 giường.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký văn bản yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa việc ra đường khi không cần thiết, nhất là việc ra đường từ 21h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Các hàng quán, nhất là các quán giải khát, quán ăn uống, cơ sở kinh doanh phục vụ tại chỗ thức uống có cồn không được kinh doanh sau 21h hàng đêm…
Theo quyết định cấp độ dịch của tỉnh Bạc Liêu, hiện cấp tỉnh thuộc cấp 3 (nguy cơ cao). Đối với cấp huyện, áp dụng cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ), gồm: TP Bạc Liêu và thị xã Giá Rai. Áp dụng cấp độ 3 - nguy cơ cao đối với huyện Đông Hải. Áp dụng cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) 4/7 đơn vị gồm huyện Hòa Bình, huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi, huyện Phước Long…
Đồng Nai hiện là một trong 3 tỉnh, thành có ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước. 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận 950 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có khoảng 25% ca mắc ngoài cộng đồng. Do đó, tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp, những vùng nguy cơ cao, rất cao về dịch COVID-19, nhằm triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng như xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19; quản lý, chăm sóc người nhiễm bệnh tại nhà; phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp nặng.
Tỉnh Đồng Nai yêu cầu mỗi huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động. Mỗi xã, phường, thị trấn thành lập ít nhất một Trạm Y tế lưu động có năng lực phục vụ từ 50-100 ca mắc COVID-19. Mỗi khu công nghiệp thành lập ít nhất một trạm y tế lưu động có thể phụ trách từ 500-1.000 ca mắc COVID-19. Nguồn nhân lực của các trạm y tế lưu động ngoài nhân viên y tế còn có sự tham gia của các tổ chức xã hội, người lao động trong doanh nghiệp.
Bên cạnh thành lập trạm y tế lưu động, tỉnh Đồng Nai đã cho phép các trường hợp F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà, đồng thời lên kế hoạch giải thể 8/11 bệnh viện dã chiến…