Cách làm mới nhằm giáo dục lịch sử, di sản cho trẻ hiệu quả ở Vĩnh Phúc

(PLVN) - Ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Văn hóa thể thao và du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc mới tổ chức ký kết “Kế hoạch phối hợp công tác tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh, Văn miếu tỉnh và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2020 -2025”.
Quang cảnh lễ ký kết giữa Sở GD&ĐT và Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc
Quang cảnh lễ ký kết giữa Sở GD&ĐT và Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc

Các hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Cụ thể, cùng với việc dạy văn hóa, để học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, tới đây các nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: cho học sinh trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng tỉnh, thăm quan các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh… Hay vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc như Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) ... công tác này được các nhà trường đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Tham gia các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, thắp nến tri ân, thăm các Khu di tích...

Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động giúp các bạn trẻ tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương của mình để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Huyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: "Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn.

Việc làm này là cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử. Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp. Tình yêu đất nước của mỗi người đều phải bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương...".

Đọc thêm