Cải thiện môi trường kinh doanh: “Chìa khóa” để thu hút các nhà đầu tư vào Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những năm qua, tỉnh Hòa Bình tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và có những kết quả khả quan . Tuy nhiên, trong bức tranh chung về năng lực cạnh tranh của cả nước, thứ hạng của tỉnh Hòa Bình vẫn còn khá thấp (đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố), trong khi tiềm năng, không gian cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn rất lớn.
Hòa Bình có tiềm lực mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư bất động sản
Hòa Bình có tiềm lực mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư bất động sản

Đột phá trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh

Tỉnh Hòa Bình có địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, đặc biệt là vị trí quan trọng tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, thuận lợi kết nối với vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc. Tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với các đặc sản có tiếng. Cùng với đó là không gian phát triển du lịch, dịch vụ lý tưởng. Hòa Bình cũng được đánh giá có hạ tầng phát triển ở mức khá so với toàn quốc, đứng thứ 5 so với các tỉnh trong cùng vùng miền núi phía Bắc.

Do đó, Hòa Bình đang có cơ hội lớn đón nhận làn sóng đầu tư mới để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực, có thể trở thành cơ sở hậu cần, nghỉ dưỡng quan trọng đối với phát triển kinh tế. Đứng trước cơ hội lớn này, đòi hỏi tỉnh Hòa Bình cần có sự đột phá hơn về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc vớ́i các lãnh đạo Tỉnh Hoà Bình về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc vớ́i các lãnh đạo Tỉnh Hoà Bình về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Những năm qua, Hòa Bình luôn chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong 4 năm liên tiếp điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã tăng dần, đến năm 2019 Hòa Bình đã nằm trong nhóm điều hành khá.

Ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cũng từng khẳng định: “Hòa Bình đang quyết tâm đổi mới tư duy, cách làm, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án vào các lĩnh vực thế mạnh là công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp chất lượng cao, du lịch hồ Hòa Bình, du lịch sinh thái, tạo sự đột phá vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, xã hội”.

Để có sự phát triển đột phá hơn về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh thu hút dòng vốn đầu tư, tỉnh Hoà Bình đã chú trọng xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư.

Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng... Các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành chức năng luôn lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có hướng giải quyết phù hợp. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, BHXH, lao động...; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp.

Những tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Hòa Bình cũng tiến hành tổ chức 3 hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư dự án để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện và tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra thực địa các dự án. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính, tập trung gỡ khó cho nhà đầu tư.

Ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết: Tỉnh Hòa Bình đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, thủ tục pháp lý để nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án sau khi được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành thử nghiệm Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành (DDCI) để đưa vào áp dụng từ năm 2022, qua đó thúc đẩy hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh”.

Thu hút đông đảo các nhà đầu tư lớn, nhỏ

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, những năm qua Hòa Bình liên tục thu hút được những nhà đầu tư lớn, nhỏ cả trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 624 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động, trong đó có 40 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 590 triệu USD và 584 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 105.000 tỷ đồng.

Công nhân làm việc tại công ty may Esquel, khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình có vốn đầu tư nước ngoài, được nâng cao đời sống.

Công nhân làm việc tại công ty may Esquel, khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình có vốn đầu tư nước ngoài, được nâng cao đời sống.

Riêng với hoạt động xuất nhập khẩu, hiện tỉnh có 49 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 26 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 53%. Xuất khẩu tập trung chủ yếu vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... và một số thị trường mới mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do như: Các nước thành viên của Hiệp định CPTPP; Hiệp định EU, thị trường Canada, Ấn Độ... Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh với hơn 80%.

Ở lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, Hòa Bình cũng đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư dự án lớn như: Phú Mỹ Hưng, T&T Group, FLC, Geleximco,.. Bất động sản Hòa Bình cũng được đánh giá là một điểm sáng cho thị trường bất động sản ngoại ô, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đặc biệt với quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình có tổng quy mô 52.200 ha, đến nay đã thu hút khoảng 16 dự án du lịch - dịch vụ với tổng vốn đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng khoảng gần 1.450ha.

Hòa Bình được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm lực đầu tư, có môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn các doanh nghiệp lựa chọn để phát triển. Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đơn giản thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng cần theo dõi và phản ánh những vướng mắc đến lãnh đạo tỉnh để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, từng bước phát triển, tạo sức bật mới cho tỉnh./.

Đọc thêm