Tọa đàm nhằm lấy ý kiến của một số cơ quan chức năng liên quan, cũng như các chuyên gia về sức khoẻ, luật pháp, các tổ chức phi chính phủ môi trường, để hỗ trợ Bộ Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn hoàn thiện bản dự thảo Chỉ thị về nghiêm cấm, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD), đặc biệt là những loài động vật nguy cấp, quy hiếm cuối cùng trình Thủ tướng Chính phủ trước 1/4/2020.
Minh chứng cho nhận định trên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về con số 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong 50 năm qua đều đến từ động vật là việc ngày 29/02/2020, phái đoàn chuyên gia của WHO và Trung Quốc công bố báo cáo về dịch Covid-19, xác định virus bắt nguồn từ ĐVHD, trong đó dơi là nghi can số một.
Nhiều quán hàng bán thịt thú rừng ở Việt Nam vẫn ngang nhiên hoạt động (ảnh minh họa) |
Chia sẻ về nghiên cứu do chính mình thực hiện về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ ĐVHD và sức khoẻ cộng đồng, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết: “Việt Nam lâu nay có tập quán thích ăn thịt thú rừng. Tình trạng săn bắt, mua bán vận chuyển thú rừng xảy ra tràn lan ở khắp mọi miền rất nhức nhối.
Đã có nhiều người bị chết do nhiễm bệnh sau khi giết mổ, ăn thịt ĐVHD, do bị nhiễm các loại như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm từ các loại động vật trên. Nhưng đó mới chỉ là những cá thể hoặc nhóm cá thể bị lây lan dịch bệnh từ ĐVHD".
Hiện đại dịch COVID-19 hiện nay do vi rút Corona chủng mới có nguồn gốc từ ĐVHD đang tàn phá toàn cầu, lây nhiễm cho hàng trăm ngàn người ở 199 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Báo chí quốc tế đánh giá, các thiệt hại do đại dịch Covid-19 đang gây ra cho kinh tế toàn cầu có thể lên tới 2.000 tỉ đô (theo ước tính của Liên Hiệp Quốc).
Do đó, Bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng, "đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng, cần chính phủ, các bộ ngành và mọi người dân cần phải chung tay hành động”.
Poster kêu gọi bảo vệ ĐVHD để bảm đảm cân bằng môi trường sinh thái. |
Giám đốc CHANGE - bà Hoàng Thị Minh Hồng khẳng định: "virus Covid-19 đã làm được điều mà hàng trăm tổ chức môi trường đã không làm được, đó là khiến Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc mua bán, tiêu thụ ĐVHD trên toàn quốc. Và tôi rất hy vọng Chính phủ Việt Nam cũng làm được như vậy.
Theo GS.TS Trần Văn Điển - đại diện Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ Nông nghiệp& phát triển nông thôn) chủ trì Tọa đàm gửi một tín hiệu rất tích cực rằng đề xuất các bên tham dự tọa đàm có thể cùng đóng góp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng và hỗ trợ đồng hành cùng nhau trong những dự án cộng đồng về môi trường.
"Tôi rất hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ hành động cương quyết để ngăn chặn nguy cơ xảy ra những đại dịch tương tự, và cũng là để nâng uy tín quốc gia với cộng đồng thế giới.
CHANGE sẽ vẫn tiếp tục làm những dự án truyền thông sáng tạo để nâng cao nhận thức nhằm giảm việc tiêu thụ ĐVHD, và mong muốn hơn cả là được hợp tác cùng với Bộ Nông nghiệp& phát triển nông thôn nói chung và Cục kiểm lâm nói riêng trong các hoạt động truyền thông cũng như hỗ trợ thực thi pháp luật, để xử lý kịp thời và triệt để những trường hợp vi phạm về buôn bán ĐVHD" - bà Hồng cho biết thêm.
Cũng tại tọa đàm, đại diện của CHANGE, PanNature và các tổ chức phi chính phủ tham gia trực tuyến, đã đóng góp nhiều ý kiến đề xuất cho bản dự thảo của Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ:
Như cấm hoàn toàn các chợ, nhà hàng bán ĐVHD; cấm cán bộ nhà nước ăn thịt rừng; đề xuất luật phải xử phạt cả người sử dụng, sở hữu các sản phẩm từ ĐVHD, chứ không phải chỉ những người buôn bán vận chuyển;
Nghiêm cấm quảng cáo bán ĐVHD và các nội dung cổ súy việc bắt bẫy và tiêu thụ ĐVHD trên mạng; siết chặt quản lý các trang trại gây nuôi; quy trách nhiệm cho UBND các địa phương có diễn ra vi phạm; đề xuất tiêu huỷ ĐVHD bị thu giữ thay vì bán đấu giá; hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật…