Cẩm Khê, Phú Thọ: Mô hình “kiềng ba chân” trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại xã Yên Tập (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã có bước nhảy vọt trong 2 năm qua. Kinh nghiệm phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm xã hội - lãnh đạo xã - nhân viên đại lý thu là mô hình quý cho các địa phương khác áp dụng
Người dân Yên Tập trong buổi tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Người dân Yên Tập trong buổi tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khi xem số liệu thống kê báo cáo về tình hình thực hiện công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tại huyện Cẩm Khê, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những con số “biết nói” tại xã Yên Tập. Tuy điều kiện kinh tế của người dân xã Yên Tập không phải là khá so với mặt bằng chung của huyện Cẩm Khê nhưng số lượng đồng bào công giáo ở đây đặt niềm tin vào chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước lại rất lớn.

Đến năm 2020, qua 12 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện nhưng trên địa bàn xã chỉ có vài chục người tham gia. Tuy nhiên, do nhiều nỗ lực, cố gắng mà tính riêng trong năm 2020, Yên Tập đã có thêm 97 người tham gia BHXH tự nguyện. Và trong 5 tháng đầu năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện ở đây cũng đã tăng thêm 76 người.

Có thể nói, thành công này ở Yên Tập được tạo nên từ thế “kiềng ba chân” vững vàng trong triển khai vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

“Chân kiềng” thứ nhất phải kể tới việc BHXH huyện Cẩm Khê đã định hướng, phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn kịp thời về mặt nghiệp vụ và sẵn sàng hỗ trợ 24/7 cho đại lý UBND xã.

Khi nhân viên đại lý thu UBND xã Yên Tập bắt đầu nhận nhiệm vụ, trong 6 tháng năm 2020 chỉ phát triển BHXH tự nguyện được vài trường hợp, ông Tạ Quang Võ - Phó Giám đốc BHXH huyện Cẩm Khê cùng cán bộ chuyên quản được phân công đã liên tục về xã tuyên truyền, giải thích cặn kẽ cho anh Nguyễn Đức Long - nhân viên đại lý tại UBND xã về những kiến thức cơ bản của chính sách BHXH tự nguyện, về quyền lợi và nghĩa vụ của nhân viên đại lý thu…

Được “tiếp lửa” thường xuyên, anh Long đã vỡ vạc ra nhiều và hiểu cặn kẽ về chế độ, ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện, từ đó càng ngày anh càng say sưa vận động chính sách này tới bà con.

Là cán bộ lao động thương binh xã hội tại xã Yên Tập, với niềm tin mãnh liệt vào chính sách dành cho người dân lao động tự do, anh Long đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, trở thành “chân kiềng” vững chãi thứ hai ở địa phương.

Anh Long chia sẻ: “Nhiều người đắn đo, không đủ tiền để đóng ngay một lúc. Tôi giải thích cho họ nên tham gia ngay để lấy thời gian công tác, đóng theo hàng tháng cũng được. Tôi sẵn sàng tới tận nhà để thu tiền dù người dân chỉ đóng theo mức thấp nhất (138.600 đồng/tháng). Và mỗi khi hoàn thành hỗ trợ thủ tục tham gia BHXH tự nguyện cho ai, sau lời cảm ơn chân thành, tôi lại nhờ họ chia sẻ chính sách tới người thân, bạn bè, hàng xóm. Nhờ đó, đến cuối tháng 5 tôi đã vận động được 76 người tham gia BHXH tự nguyện”.

Và “chân kiềng” thứ ba ở đây là Chủ tịch UBND xã Yên Tập - ông Vũ Xuân Trịnh. Ông Trịnh cho biết: “Bây giờ dân Yên Tập đã tin tưởng BHXH tự nguyện vì tài chính ít vẫn có thể tham gia, lại còn được Nhà nước hỗ trợ tới 10 năm. Cái lợi thế của Yên Tập là có nhiều đồng bào công giáo. Những buổi lễ cuối tuần khi gặp nhau, nghe người này, người kia khoe đã tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân hay cho bố mẹ, nhiều người sẽ suy nghĩ và cố gắng cho bằng dân làng. Nhiều khi đang trong giờ hành chính, đồng chí Long báo cáo có người dân điện thoại báo thu tiền, tôi cho phép đi luôn. Phục vụ nhiệt tình, tận tâm, làm hết trách nhiệm thì đương nhiên dân quý, dân tin, dân sẽ tham gia. Để sau này Yên Tập có nhiều người dân được hưởng lương hưu, có chỗ nương tựa vững chắc thì đó cũng là trách nhiệm và niềm vui của lãnh đạo địa phương”.

Như vậy có thể thấy, kinh nghiệm quý báu từ Yên Tập chính là tạo thế “kiềng ba chân” vững chãi giữa cơ quan BHXH - lãnh đạo xã - nhân viên đại lý thu. Từ đây chính sách BHXH tự nguyện đã bén sâu, “đâm chồi” trong lòng cơ sở từ đó dần dần lan xa tới người dân các xã lân cận thuộc huyện Cẩm Khê.

Tính đến thời điểm này, Yên Tập đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao năm 2021, nhưng chúng tôi tin rằng, với sự hậu thuẫn tạo điều kiện của lãnh đạo UBND xã, sự phối hợp chặt chẽ của BHXH huyện Cẩm Khê và đặc biệt là niềm say mê chính sách cho dân ta của anh Long, chắc chắn xã Yên Tập không dừng lại ở đó mà còn tiếp tục vươn mình trở thành “điểm sáng” trong công tác phát triển đối tượng tại Cẩm Khê, Phú Thọ.

Đọc thêm