Ông Đô cho biết các cơ quan hữu quan cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để lao động thời vụ được đảm bảo quyền lợi.
Trước hết, ông Đô khẳng định chính sách Bảo hiểm xã hội là thực hiện an sinh xã hội để người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhất là NLĐ thời vụ, trong quá trình lao động sản xuất vẫn tiềm tàng nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động, bị ốm đau và công việc bấp bênh dễ thất nghiệp và về già họ vẫn cần phải có lương hưu để trang trải cuộc sống. Tương ứng với đó là các loại BHXH, BHYT, BHTN và bảo hiểm tai nạn.
Người lao động khi đang khỏe mạnh, có việc làm, có thu nhập cần có phương án tài chính, bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội để hỗ trợ khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ, khi mất việc, lúc tuổi già để duy trì và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình. Cho nên, hoạt động BHXH, BHTN, BHYT một mặt đòi hỏi tính trách nhiệm cao của từng người lao động đối với bản thân mình, với gia đình và cộng đồng, xã hội theo phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thông qua quyền và nghĩa vụ, mặt khác nó thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội.
Hiện nay NLĐ thời vụ có tâm lý chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã là do họ chưa hiểu rõ được mục đích như nêu trên của Bảo hiểm xã hội. Việc này cần các cơ quan hữu trách tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người lao động và kể cả trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Nhưng chỉ có BHXH, BH tai nạn là Luật bắt buộc phải tham gia đối với đối tượng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, còn BHYT và BHTN thì không. Vậy cơ sở pháp lý nào để bắt buộc NLĐ thời vụ này phải đóng BHYT và BHTN, thưa ông?
- Như đã nói, Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội. Thậm chí hiện nay Nhà nước vẫn đang vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện để đảm bảo cuộc sống của họ. Việc NLĐ thời vụ tham gia BHYT và BHTN là thống nhất với mục tiêu an sinh xã hội nói trên.
Hiện nay Pháp luật chưa quy định bắt buộc NLĐ thời vụ dưới 3 tháng tham gia BHYT và BHTN là có sự chưa đồng bộ giữa quy định BHXH và BHYT và BHTN. Theo tôi sắp tới cần có điều chỉnh pháp luật cho đồng bộ.
Đại diện các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam – chi nhánh phía Nam, khi tham dự hội thảo “Những khó khăn của nhà thầu về quy định mới trong hợp đồng lao động (chính thức và thời vụ)” do Hiệp hội này tổ chức, đều than phiền việc việc thực hiện các thủ tục BHYT, BHTN rất nhiêu khê và NLĐ không hưởng được gì cả. Theo ông, có cách nào để bảo đảm được quyền lợi cho họ?
- Về BHYT, hiện nay cơ quan BH cấp thẻ BHYT một lần và quản lý theo mã số của từng cá nhân tham gia. Nếu người lao động có đóng tiền bảo hiểm thì hệ thống quản lý sẽ ghi nhận thẻ BHYT của người đó đang có hiệu lực.
Việc cấp một cái thẻ BHYT cho NLĐ thời vụ là không quá khó. Và sau khi được cấp, họ sẽ được sử dụng ngay trong khoảng thời gian họ đóng BHYT. Đối với BHTN, nếu NLĐ thời vụ khi mất việc mà chưa đăng ký hưởng BHTN thì thời gian đóng BHTN vẫn được bảo lưu để tính trợ cấp thất nghiệp khi người lao động yêu cầu.
Hiện nay Tp. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo hiểm xã hội Thành phố công bố thông tin thường xuyên các dịch vụ, thủ tục và các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt trên trang thông tin của BHXH Thành phố. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo tôi rất cần trách nhiệm của doanh nghiệp, việc tuyên truyền, đẩy mạnh cải cách hành chính của Bảo hiểm xã hội Thành phố và Trung tâm Dịch vụ Việc làm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động thực hiện quyền của mình thông môi trường không gian internet, thông qua hệ thống bưu điện Thành phố…làm sao giảm bớt thời gian đi lại, thủ tục cho doanh nghiệp và người lao động.
Cảm ơn ông!