Cần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho dinh dưỡng học đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo các chuyên gia để đảm bảo sức khỏe học đường, cần xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cũng như chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, chuyên môn, chính sách… để bảo đảm việc triển khai hiệu quả bữa ăn học đường một cách khoa học.
Một điểm trường ở Sơn La tham gia mô hình thí điểm bữa ăn học đường
Một điểm trường ở Sơn La tham gia mô hình thí điểm bữa ăn học đường

Với vai trò là Ủy viên Ban điều hành của mô hình điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đã tham gia xây dựng và hỗ trợ địa phương triển khai các giải pháp can thiệp về dinh dưỡng học đường, PGS.TS. Bác sĩ Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) đã có trao đổi thêm với chúng tôi về các nội dung này.

Thưa bà, hiện nay Việt Nam đã có luật dinh dưỡng học đường chưa?

- Ở các quốc gia phát triển, chương trình bữa ăn học đường được quy định rõ ràng và cụ thể về tiêu chuẩn dinh dưỡng và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, Nhật Bản từ năm 1954 đã có luật về dinh dưỡng học đường, để một trường học bán trú được phép đi vào hoạt động đòi hỏi phải có các quy định rất cụ thể về cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo và có một cử nhân dinh dưỡng tiết chế được đào tạo chuyên sâu để tính toán và xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho nhà trường.

Tại Việt Nam, chúng ta chưa có luật Bữa ăn học đường và cũng không thể ngay lập tức áp dụng luật dinh dưỡng học đường như Nhật Bản vì sẽ không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.

PGS.TS Bùi Thị Nhung trả lời phỏng vấn
PGS.TS Bùi Thị Nhung trả lời phỏng vấn

Vậy bữa ăn học đường của học sinh Việt Nam được thực hiện theo tiêu chuẩn nào thưa bà?

- Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã phối hợp trong việc xây dựng các hướng dẫn, thông tư, tài liệu và thực đơn về bữa ăn học đường. Với bậc học mầm non thì việc triển khai bữa ăn học đường tương đối thuận lợi hơn với các cấp học khác vì theo quy định cơ sở giáo dục mầm non vừa có chức năng dạy học và nuôi dưỡng, giáo viên mầm non cũng được đào tạo về dinh dưỡng và nuôi dưỡng trẻ, tiêu chuẩn bữa ăn bán trú ở trường mầm non đã được quy định và điều chỉnh theo Thông tư 28 năm 2016 của Bộ GD&ĐT.

Với bậc tiểu học, việc tổ chức bữa ăn học đường là xuất phát từ nhu cầu xã hội, vì vậy còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất: Hiện nay chỉ có khoảng một nửa số trường tiểu học có đủ cơ sở vật chất để tổ chức bữa ăn bán trú tại trường, còn khoảng gần một nửa số trường tiểu học phải sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn của các công ty dịch vụ. Phần lớn thực đơn được xây dựng dựa theo kinh nghiệm của nhân viên bếp và mức thu ăn bán trú.

Chính phủ cũng đã rất quan tâm và đầu tư để cải thiện về bữa ăn học đường, tuy nhiên chúng ta cần thời gian để xây dựng được các mô hình bữa ăn học đường phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục ẩm thực của từng địa phương rồi mới có thể nghiên cứu luật hóa bữa ăn học đường. Chương trình bữa ăn học đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương trong tất cả các hoạt động triển khai, giám sát, thanh tra và hỗ trợ chuyên môn cho các trường…

Học sinh trường tiểu học Tô Múa, Vân Hồ, Sơn La hào hứng thưởng thức bữa ăn học đường lành mạnh, đủ chất
Học sinh trường tiểu học Tô Múa, Vân Hồ, Sơn La hào hứng thưởng thức bữa ăn học đường lành mạnh, đủ chất

Hiện nay, tại 10 tỉnh/thành, Bộ Giáo dục và Đạo tạo đang triển khai mô hình điểm cấp quốc gia “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh, sinh viên Việt Nam”, bà có thể cho biết những đánh giá sơ bộ về hiệu quả của mô hình?

- Đây là một thử nghiệm thành công nhất về các điều kiện cần và đủ để có thể triển khai được bữa ăn học đường 1 cách khoa học, hợp lý phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương, là tiền đề cho các nghiên cứu về chính sách dinh dưỡng học đường.

Trẻ đã thay đổi hành vi ăn uống của mình: Học ăn đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau củ (điểm này là khó khăn nhất khi các trường thực hiện bữa ăn học đường), học ăn các món ăn mới, được giáo dục dinh dưỡng để hiểu về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, biết cách nhận biết các thực phẩm không lành mạnh, thực phẩm không an toàn, không tốt cho sức khỏe. Mô hình bữa ăn học đường đã đạt được sự đồng thuận của gia đình và nhà trường.

Vấn đề khó khăn khi tiếp tục triển khai bữa ăn học đường tại trường đang thực hiện mô hình điểm là mức thu, rất nhiều năm qua các trường xây dựng mức thu tùy vào thỏa thuận với phụ huynh, trường có mức thu cao thì trẻ ăn nhiều hơn, đa dạng thực phẩm hơn, bữa phụ chiều sử dụng sữa và chế phẩm sữa. Với các trường có mức thu thấp thì ít loại thực phẩm hơn và bữa phụ chiều cũng không có sữa và chế phẩm sữa mà sử dụng các thực phẩm không lành mạnh như bánh…Có những trường nhiều năm không điều chỉnh mức thu mặc dù thực phẩm đã bị trượt giá theo thời gian.

Trong mô hình điểm, các trường có mức thu thấp thì đã được hỗ trợ tiền ăn để đảm bảo thực đơn cân bằng dinh dưỡng, tuy nhiên nếu tiếp tục nhiều năm thì chúng ta cần có những chính sách, chuyên gia để nghiên cứu mức thu phù hợp cho từng địa phương, ở khu vực đô thị phụ huynh và nhà trường cùng bàn bạc để phối hợp. Với khu vực khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo cần có sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa…

Việc mở rộng bữa ăn học đường với các tỉnh/thành hoặc các trường khác cũng cần một quá trình nghiên cứu điều chỉnh hỗ trợ, cơ sở vật chất nhân lực, nghiên cứu mức tiền ăn phù hợp (nếu mức thu cao, các trường cho trẻ ăn bữa chính và bữa phụ nhiều sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân béo phù, nếu mức thu quá thấp thì không đủ để xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, trên 10 loại thực phẩm)

Giáo viên tiểu học Tô Múa, Vân Hồ, Sơn La hướng dẫn các em về dinh dưỡng trong vườn rau của trường
Giáo viên tiểu học Tô Múa, Vân Hồ, Sơn La hướng dẫn các em về dinh dưỡng trong vườn rau của trường

Trong các điểm mà bà nói về bữa ăn học đường phải có, còn điểm nào đáng lưu tâm?

- Hiện nay, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh ở cả khu vực nông thôn và thành phố. Theo kết quả tổng điều tra về dinh dưỡng tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em từ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Như vậy, trong một thập kỷ qua, con số này đã tăng lên hơn 2 lần. Tình trạng thừa cân, béo phì gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ em; Đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, cao huyết áp, hội chứng chuyển hóa đã xuất hiện rất sớm ở các trẻ em mầm non và tiểu học bị béo phì.

Nguyên nhân của tình trạng thừa cân béo phì là gia đình không nhận thức đúng về tình trạng dinh dưỡng của con mình, tâm lý thích trẻ bụ bẫm dẫn đến trẻ bị ép ăn, cho đến khi trẻ tăng cân tích lũy nhiều năm dẫn đến béo phì nặng và có những hệ lụy về sức khỏe…

Trẻ em cần được giáo dục dinh dưỡng biết cách ăn uống khoa học lành mạnh, nhận biết và hạn chế sử dụng thực phẩm không lành mạnh không tốt cho sức khỏe. Trong mô hình thử nghiệm giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em tiểu đã được thực hiện vào giờ sinh hoạt, mỗi tuần khoảng 5-10 phút trẻ được học về giáo dục dinh dưỡng bằng các bài học có hình ảnh minh họa, dễ hiểu và hấp dẫn đối với trẻ. Giáo dục dinh dưỡng không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần có sự phối hợp từ gia đình và xã hội.

Với mô hình điểm cấp quốc gia về “Bữa ăn học đường” phụ huynh được truyền thông thế nào để có thể phối hợp với nhà trường?

- Thực ra, ngay từ trước khi triển khai mô hình, đại diện phụ huynh của trường đã được hội thảo để giới thiệu các hoạt động triển khai của mô hình để phụ huynh có thể hiểu và đồng hành cùng nhà trường trong việc thực hiện mô hình điểm chứ không phải là giám sát. Ở các trường thí điểm, các cô giáo chụp ảnh bữa ăn của học sinh chia sẻ với phụ huynh của lớp qua zalo, để phụ huynh có thể cùng đồng hành động viên trẻ tập ăn rau, tập ăn các món ăn mới, tập ăn đa dạng thực phẩm, giúp trẻ dần dần thay đổi hành vi ăn uống tích cực tốt cho sức khỏe.

Vậy với Mô hình điểm, ban điều hành mong muốn ở phụ huynh tham gia như thế nào, thưa bà?

- Chúng tôi mong muốn phụ huynh cùng đồng hành với nhà trường trong chương trình bữa ăn học đường cùng bàn bạc với nhà trường để tìm ra các giải pháp để cải thiện bữa ăn học đường, giúp trẻ thay đổi hành vi ăn uống,… Ví dụ khi triển khai mô hình điểm tại Sơn La, nhân lực bếp không đủ để chế biến bữa ăn học đường theo tiêu chuẩn (đa dạng, nhiều món, nhiều loại thực phẩm) nhà trường đã bàn với phụ huynh học sinh và có giải pháp là các phụ huynh luân phiên đến trường để hỗ trợ nhà bếp trong việc chế biến thức ăn cho các con…

Mô hình điểm cũng tổ chức các hội thảo phụ huynh, chia sẻ thông tin về mô hình, cung cấp thực đơn ở trường để phụ huynh tham khảo phối hợp tại nhà, thực trạng dinh dưỡng và hoạt động thể lực của trẻ em lứa tuổi học đường, các quan niệm sai lầm trong nuôi dưỡng trẻ…Hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở nhà để trẻ phát triển tốt về thể chất và trí tuệ mà không bị thừa cân béo phì.

Trong thời gian tới khi xây dựng và triển khai chương trình bữa ăn học đường Quốc gia tiến tới luật hóa bữa ăn học đường, theo bà cần phải có các giải pháp gì?

- Để xây dựng chương trình bữa ăn học đường Quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước phát triển chúng ta còn rất nhiều khó khăn, cần có thời gian nghiên cứu và điều chỉnh.

Bước đầu tiên chúng ta có thể làm là nghiên cứu các mô hình tổ chức bữa ăn học đường phù hợp với từng địa phương (đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo về xây dựng thực đơn, giáo dục dinh dưỡng, mô hình căng tin trường học, giám sát và đánh giá), từng bước mở rộng mô hình và xây dựng các chính sách hỗ trợ việc thực hiện mô hình này, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho vùng nghèo, vùng khó khăn, hộ nghèo…

Sau quá trình triển khai, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, khi xét thấy các điều kiện đã phù hợp để xây dựng luật dinh dưỡng học đường ở nước ta thì có thể tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường.

Xin cảm ơn bà!

Thực hiện Đề án 41 Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh và sinh viên Việt nam, từ năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai Mô hình điểm ở 10 tỉnh thành thuộc 5 vùng sinh thái, trong đó 5 tỉnh thành cho HS mẫu giáo: Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Thái Bình; 5 tỉnh thành cho HS tiểu học: Nghệ An, Sơn La, An Giang, Lâm Đồng và Thừa Thiên Huế. Mỗi tỉnh thành chọn một trường can thiệp và trường chứng.

Về Dinh dưỡng, mục tiêu chính là nghiên cứu để thực hiện khả thi bữa ăn học đường một cách khoa học và hợp lý với các mức thu, phong tục tập quán ăn uống khác nhau, hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau. Mô hình có đánh giá đầu cuối, so sánh giữa trường chứng và trường can thiệp. Mô hình do Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) triển khai với sự tài trợ, đồng hành của Tập đoàn TH.

Đọc thêm