Cần Thơ: Các tổ chức tôn giáo cùng chính quyền phòng, chống dịch Covid-19

(PLVN) - Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và toàn dân của thành phố Cần Thơ đã và đang chung sức phòng, chống dịch. Đặc biêt là việc thực hiện, cụ thể hóa Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch (28-3 đến 15-4-2020) cùng nhau đẩy lùi Covid-19. Đồng bào dân tộc, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP Cần Thơ đã đóng góp vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến mang tên Covid-19.

Theo Ban Tôn giáo TP Cần Thơ, hiện thành phố có 13 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hoà Hảo,...), với tổng số tín đồ của các tôn giáo gần 500.000 người; chức sắc - chức việc hơn 2000 người và 305 cơ sở tôn giáo được cấp phép hoạt động.

Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch, các tôn giáo đã đồng loạt gửi thông báo hướng dẫn tín đồ (giáo dân, phật tử…) của mình không tụ tập, trụ sở hoạt động tôn giáo cũng được tạm ngừng hoạt động, các Nghi lễ của từng tôn giáo trong mùa này đều được sắp xếp phù hợp với kế hoạch phòng, chống dịch của TP nói riêng, cả nước nói chung.

Các Tôn giáo ủng hộ phòng, chống Covid 19

Cụ thể, ngày 28/03, hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần thơ, ra thông báo yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch phòng, chống dịch của UBND TP Cần Thơ. Đối với lễ hội tết cổ truyền Chool Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer và Phật giáo Nam tông được tổ chức từ ngày 13 đến 16/4, tạm dừng tập trung đông tín đồ Phật giáo tại các điểm chùa đón rước Chư Thiên năm mới Chôl Chnăm Thmây.

Các hoạt động khác trong ngày tết cổ truyền này cũng đa phần tạm ngưng hoặc dời lại sau ngày 16-04-2020. Tạm dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, múa hát, giải trí vui chơi tại các điểm chùa. Đối đồng bào ở các Phum, Srok, tạm dừng triệt để Pun Kom Sane – Cầu an thường niên theo Phum, Srok, lễ cưới, lễ tang, Lễ cầu an…

Tạm dừng tổ chức tiệc tùng tại các tư gia và Phum, Srok (nếu có tổ chức với quy mô nhỏ không quá 20 người theo quy định). Hạn chế đi lễ chùa đông người, chỉ đại diện gia đình 01 người đến dâng cúng. Đặc biệt, mọi người phải đeo khẩu trang theo quy định.

 Các cơ sở hoạt động tín ngưỡng đã tạm thời ngưng hoạt động trong những ngày cao điểm chống dịch

Trụ trì các chùa có trách nhiệm triển khai tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ từ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4/2020. Đồng thời, phối hợp với tổ Y tế địa phương để đo thân nhiệt và chăm sóc sức khỏe đến bổn đạo, tín đồ, Phật tử, khai báo y tế theo quy định.

Đối với bà con giáo dân theo đạo Công giáo đang trong mùa chay Thánh, Tuần Thánh và Lễ Phục sinh năm 2020. Theo đó, Tòa giám mục thành phố Cần Thơ đã có thông báo đến toàn bộ giáo dân thuộc giáo phận TP Cần Thơ về việc phối hợp chặt với chính quyền trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Giám mục Tri Bửu Thiên, ở những nơi mà chính quyền địa phương đã công bố là khu vực hạn chế sinh hoạt, tại các nhà thờ giáo xứ, các linh mục cử hành Thánh lễ ngày thường, Chúa Nhật, Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh nhưng phải đặc biệt lưu ý không quá số người quy định.  

Đồng thời, Đức giám mục giáo phận TP Cần Thơ cho phép các giáo dân không phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật và các Lễ trọng buộc trong Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, nhưng phải làm các việc đạo đức và bác ái thay thế lại, như là lần chuỗi Mân Côi, đọc sách Kinh Thánh, giúp đỡ người nghèo,...

Ngoài ra, Thánh Lễ ngày thường và các nghi thức phụng vụ không phải Thánh lễ trong Tuần Thánh không buộc giáo dân tham dự. Giáo dân được khuyến khích cầu nguyện tại gia, tham dự Thánh Lễ và các nghi thức trực tuyến trên các mạng Internet...

Tất cả nhằm hạn chế việc tiếp xúc và nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19. Chưa hết, trong thông báo, Đức Giám mục còn khuyến khích các giáo dân tự nguyện khai báo y tế và tuân nghiêm những chỉ dẫn của Bộ Y Tế và chính quyền địa phương về việc phòng chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Chính quyền cùng đồng bào tôn giáo chống dịch

“Không có ngày nghỉ, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Cần Thơ luôn sẳn sàng trong giai đoạn chống dịch. Tất cả chúng ta cùng đoàn kết một lòng với Chính phủ và nhân dân cả nước quyết tâm đánh lùi dịch bệnh”, đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Trần Quốc Trung trong những lần đi trực tiếp xuống địa bàn, khảo sát và vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19.

Chia sẻ với PLVN, Bí thư Trần Quốc Trung cho biết: Lãnh đạo TP đã yêu cầu các cấp, các ban - ngành và nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để phòng chống dịch có hiệu quả.

Song song đó, TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu biết thêm về đại dịch Covid-19, qua đó có thể tự phòng, chống dịch. Thành ủy, UBND TP cũng không quên gửi lời chia sẻ, cảm ơn đến các bộ phận đồng bào dân tộc, cộng đồng tôn giáo trên địa bàn khi phải tạm ngưng những Nghi lễ thiêng liêng quan trọng, để chung tay cùng TP và Chính phủ chống dịch.

Trước đó, Bí thư thành phố Trần Quốc Trung đã đến thăm và chia sẻ với Chư tăng và đồng bào dân tộc Chùa Poothi Somrôn ở huyện Ô Môn. Tại đây, Hòa thượng Đào Như cũng bày tỏ sự ủng hộ hết lòng cùng chính quyền địa phương chung tay chống dịch.

  Các Nghi lễ của từng tôn giáo trong mùa này đều được sắp xếp phù hợp với kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19

Trong công tác tuyên truyền, vận động tín đồ của các tôn giáo trong việc phòng, chóng dịch, Trưởng Ban Tôn giáo TP Cần Thơ - Lê Hùng Yên cho biết, hiện tại các khu vực tập trung đông người, các cơ sở thờ phụng đã tạm ngưng hoạt động. Mọi biện pháp và ý thức phòng, chống dịch của bà con được đánh giá cao.

Còn ông Nguyễn Ngọc Tâm, Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ cho biết, Ban Thường trực UBMTTQVN TP tổ chức trao tặng khẩu trang và dung dịch diệt khuẩn cho 2.500 hộ nghèo trên địa bàn. Mỗi phần quà gồm 5 khẩu trang, 2 chai gel rửa tay khô kháng khuẩn, 1 chai nước muối vệ sinh miệng cho các hộ nghèo. Kinh phí trích từ nguồn Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Được biết, Ban Thường trực UBMTTQVN TP Cần Thơ hiện đang phát động phong trào: “Toàn dân chung tay phòng, chống dịch Covid-19”; Các doanh nghiệp đã ủng hộ hơn 1 tỷ đồng cùng với đồ bảo hộ phòng chống dịch Covid-19; dung dịch nước rửa tay kháng khuẩn...

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng ra thông báo về việc chuẩn bị Đại lễ Phật đản PL. 2564 – DL. 2020 trước diễn biến của đại dịch Covid-19. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội PGVN đề nghị các Ban Trị sự GHPG các tỉnh, thành phố không thực hiện việc tổ chức Lễ đài tập trung đông người.

Khuyến khích nghi lễ kính mừng Phật đản bằng nghi thức tắm Phật, tụng kinh tại các cơ sở, tự viện và tại nhà của các gia đình và không tập trung quá đông người tham dự. Chỉ tiến hành tổ chức Đại lễ Phật đản tập trung sau khi Giáo hội xem xét diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19.

Sau khi có công bố quyết định hết dịch của Chính phủ, của địa phương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ có thông báo cụ thể thời gian tổ chức; Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử tiếp tục gương mẫu thực hiện những hướng dẫn, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, của Bộ Y tế.

Đọc thêm