Cần Thơ: Không để học sinh bỏ học do hoàn cảnh

(PLVN) - Ngày 16/1/2020, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến với 29 điểm cầu bao gồm các phòng GD&ĐT quận, huyện, điểm trường nhằm sơ kết công tác học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2019-2020. Bà Trần Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chủ trì hội nghị.

 Thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cơ bản ngành

Thay mặt lãnh đạo ngành giáo dục TP, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, xác định việc điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển GD&ĐT TP đến năm 2020, định hướng năm 2030 là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu xã hội; phát triển trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bà Trần Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo các cấp quản lý, giáo viên quan tâm nắm bắt hoàn cảnh tuyệt đối không để học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.
Bà Trần Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo các cấp quản lý, giáo viên quan tâm nắm bắt hoàn cảnh tuyệt đối không để học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn. 

Hiện nay, toàn thành phố có 700 trường (bao gồm: 281 trường trung học phổ thông, 68 trường trung học cơ sở, 176 trường tiểu học và 175 trường giáo dục mầm non) hơn 410.000 học sinh. Từng bước hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao năng lực lãnh đạo các cán bộ quản lý giáo dục các cấp, chất lượng giáo dục không ngừng được duy trì thông qua việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, phối hợp với các trường đại học uy tín trong khu vực thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Nghiêm túc thực hiện Luật Ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cho giáo dục, đa dạng hóa nguồn lực, tài chính cho phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công. Cụ thể, năm 2019 đã huy động từ nguồn lực xã hội hơn 68 tỷ đồng nhằm đầu tư xây mới các trường trung học phổ thông, giáo dục mầm non trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Kế đó, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, chủ động triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, thể chất, đảm bảo an toàn trên tất cả các cấp học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học và quản lý giáo dục đạt 100% trường, giáo viên tham gia. Đồng thời, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cũng như chú trọng công tác truyền thông về giáo dục, nhất là trong ứng dụng chương trình đào tạo mới.

Đẩy mạnh phổ biến chương trình giáo dục phổ thông mới

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cùng trao đổi xoay quanh một số nội dung như: an toàn trường học, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, cảnh quan trường học cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. 

Chia sẻ trong công tác giáo dục, đại diện phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng kế hoạch toàn diện cho chương trình giáo dục phổ thông mới, rà soát chương trình mới so với chương trình cũ để có bước chuẩn bị phù hợp. Song song đó, tuyên truyền nội dung chương trình giáo dục mới sâu rộng đến các bậc phụ huynh học sinh nhằm hạn chế phản ánh do chưa nắm rõ dẫn đến thắc mắc, khiếu nại. Đồng thời, quan tâm hơn nữa các khâu đột phá trong bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém nhất là các học sinh cuối cấp.

Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tâm huyết với nhiều vấn đề quan trọng.
Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tâm huyết với nhiều vấn đề quan trọng. 

Bên cạnh Ghi nhận những nỗ lực của cán bộ quản lý, giảng dạy trên toàn TP, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đề nghị, thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Sở cần tích cực chủ động tham mưu với địa phương làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp. Xây dựng kế hoạch cụ thể khắc phục triệt để những tồn tại yếu kém. Triển khai công nghệ thông minh vào công tác quản lý, các phần mềm hỗ trợ bài giảng tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy cô giáo và học sinh tiếp cận với đổi mới phương pháp dạy học.

Tiếp tục triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong người dân. “Cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tạo sự đồng thuận định hướng dư luận, loại bỏ những thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận, điển hình như trường hợp áp dụng sách tiếng Việt lớp 1 dẫn đến cách hiểu mỗi người mỗi khác gây hoang mang dư luận thời gian vừa qua”, bà Trần Hồng Thắm lưu ý.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giáo dục TP bày tỏ trăn trở khi không ít trường hợp các em học sinh bỏ học, thậm chí không tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT do hoàn cảnh khó khăn. “Đề nghị các cấp quản lý, giáo viên cần nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư của mỗi học sinh để sớm có bước hỗ trợ, để xảy ra trường hợp nêu trên trước hết là lỗi, là thất bại của ngành giáo dục”, bà Trần Hồng Thắm nhấn mạnh.

Đọc thêm