Cần Thơ: Phố Ông Chảnh, lưu giữ từng nét xuân xưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu ai đã từng nghĩ rằng, Tết xưa chỉ còn là những hoài niệm thì tại TP Cần thơ, anh Nguyễn Minh Nhật đã tái hiện lại khung cảnh đó thông qua việc đầu tư trang trí con hẻm nơi anh sinh sống. Con hẻm được nhiều người biết đến với cái tên là Phố Ông Chảnh và đây cũng là địa điểm “hot rần rần” trên mạng xã hội dạo gần đây.

Tết xưa không còn là hoài niệm

Khi xã hội đang dần phát triển và mọi thứ dần được hiện đại hóa thì có lẽ chúng ta chỉ muốn tìm về với nguồn cội, với những điều đơn giản mà bình yên tại một vùng thôn quê nào đó.

Mặc dù nằm trong con hẻm nhỏ dưới chân cầu Cái Răng, TP Cần Thơ, nhưng Phố Ông Chảnh luôn là địa điểm được nhiều người đến tham quan, chụp ảnh vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, vì nơi đây như một vùng thôn quê thu nhỏ giữa lòng TP. Tại đây, những khung cảnh về Tết xưa ở làng quê miền tây tưởng chừng như rơi vào quên lãng thì thông qua khối óc và bàn tay của một người đầy hoài niệm, anh Minh Nhật đã tái hiện lại khung cảnh đó một cách chân thật.

Tại Phố Ông Chảnh,Tết xưa không còn là hoài niệm trong tiềm thức của nhiều người - ảnh: Nguyễn Thuận

Tại Phố Ông Chảnh,Tết xưa không còn là hoài niệm trong tiềm thức của nhiều người - ảnh: Nguyễn Thuận

Với những hình ảnh thân quen và có lẽ chỉ xuất hiện vào những dịp Tết xưa như: Chùm pháo đỏ được nhiều gia đình thời đó treo trước hiên nhà; căn bếp củi, nơi mà những bà má hay dùng để nấu những món ăn dân lên tổ tiên ngay đêm giao thừa; hình ảnh nồi bánh tét mang đậm hương vị truyền thống người dân nam bộ và là niềm mong muốn sự sum vầy, anh em, con cháu quay quần bên ánh lửa; khung cảnh hoa mai nở ngập tràn trước sân nhà, báo hiệu mùa xuân đến và cũng như cảnh ông đồ già tay khỏa bút khai xuân… Tất cả những hình ảnh trên đã làm cho nơi đây thêm phần đặc biệt và làm cho Tết xưa không còn là hoài niệm trong tiềm thức của nhiều người.

Tiểu cảnh căn nhà lá nam bộ với chùm pháo đỏ treo trước hiên nhà vào mỗi độ xuân về - ảnh: Nguyễn Thuận

Tiểu cảnh căn nhà lá nam bộ với chùm pháo đỏ treo trước hiên nhà vào mỗi độ xuân về - ảnh: Nguyễn Thuận

Nói về nơi đây, cô Sang (65 tuổi, người đến tham quan, chụp ảnh) chia sẻ: “cô biết đến nơi đây thông qua những hình ảnh mà mọi người chia sẻ trên Facebook, thấy nơi đây lạ và đẹp nên cô cùng cháu trai và con gái đến tham quan, chụp ảnh. Khi đến đây cô thật sự ngỡ ngàng vì khung cảnh Tết xưa ở quê tưởng chừng như không còn xuất hiện thì nay cô có thể gặp lại”.

Bên cạnh đó, một phần các bạn trẻ đến đây chụp ảnh cùng cho biết, do sinh ra và lớn lên ở TP nên các bạn chưa có dịp đón Tết ở chốn thôn quê, nơi này đã phần nào giúp cho các bạn thấy và cảm nhận được khung cảnh Tết ở một vùng quê thời xưa là như thế nào.

Tạo nên giá trị cho cộng đồng

Ngoài vẻ đẹp nêu trên thì lý do ra đời của Phố Ông Chảnh cũng là điều tạo thêm phần đặc biệt cho nơi này. Được biết, anh Minh Nhật là người lên ý tưởng thiết kế và tự bỏ ra kinh phí để thi công; trong quá trình thực hiện, anh đã nhận được sự góp sức hết lòng từ gia đình và những cô, chú hàng xóm; anh cho biết, tổng kinh phí đầu tư, trang trí con hẻm cho mùa xuân năm nay là hơn 100 triệu đồng.

Căn bếp củi, nơi mà những bà má hay dùng để nấu những món ăn dân lên tổ tiên ngay đêm giao thừa - ảnh: Long Vĩnh

Căn bếp củi, nơi mà những bà má hay dùng để nấu những món ăn dân lên tổ tiên ngay đêm giao thừa - ảnh: Long Vĩnh

Trò chuyện với PLVN về vấn đề trên, anh Minh Nhật bộc bạch: “Anh xuất thân là dân luật nhưng vì đam mê bộ môn nhiếp ảnh nên đã chọn theo đuổi nghề nhiếp ảnh. Lúc đầu anh thấy con hẻm không được đẹp nên anh đã bỏ tiền ra đầu tư trang trí nơi này, chủ yếu làm cho nơi mình sống đẹp hơn và cũng như tạo thêm không gian thư giãn cho bà con hàng xóm và bọn trẻ trong xóm cũng có chỗ vui chơi, giải trí”. Anh nói thêm: “Sau này được nhiều người biết và đến đây chụp ảnh nên anh đã mở thêm nhiều dịch vụ trang điểm kèm chụp ảnh nhằm kiếm thêm kinh phí để duy trì, sửa chữa và bố trí thêm nhiều tiểu cảnh mới cho năm sau”.

Tại đây, cư mỗi buổi chiều thì những gia đình lối xóm của anh Minh Nhật lại ra ngồi trước hiên nhà, xem bọn trẻ chơi đùa bên hàng mai, đào sặc sỡ hoặc xem những du khách đến đây tham quan, chụp ảnh. Những người ở đây cho biết, ai cũng thấy râm ran không khí Tết do khu phố của anh Nhật tạo ra, đặc biệt cứ mỗi năm gần đến Tết là bà con lối xóm luôn vui vẻ hiến sân hỗ trợ cho anh Nhật có nơi bố trí những tiểu cảnh.

Du khách đến tham quan chụp ảnh - ảnh: Long Vĩnh

Du khách đến tham quan chụp ảnh - ảnh: Long Vĩnh

Được biết, năm nay với tình hình dịch phức tạp, mặc dù TP Cần Thơ đã nới lỏng sau giản cách những người đàn ông này đã lên ý tưởng và tiến hành thi công từ rất sớm. Anh Nhật cho biết: “Việc thi công và mở cửa Phố Ông Chảnh sớm hơn 2 tháng so với năm trước là muốn du khách đến đây dàn trải, không tập trung quá đông nhằm đảm bảo tuân thủ quy định phòng, chống dịch của nhà nước”.

Có lẽ, trong khu phố này sẽ không thể diễn tả hết vẻ đẹp Tết xưa đã tồn tại trong tiềm thức của nhiều người, nhưng Phố Ông Chảnh sẽ là nơi góp phần lưu giữ và giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về Tết Xưa của ông cha ta thời đó.

Đọc thêm