Cụ thể, mục tiêu chung của chương trình là tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của thành phố và phù hợp yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp cả nước, bao gồm 03 lĩnh vực chủ yếu là: sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày.
|
Cần Thơ kỳ vọng đến 2025, địa phương sẽ có 200 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (ảnh minh họa). |
Tiếp tục, cần đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố thông qua việc nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đồng thời ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; thu hút các thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này. TP Cần Thơ kỳ vọng đến năm 2025 sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Trong đó, có trên 50% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đến hết năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố.
Theo đó, UBND TP Cần Thơ giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu ban hành văn bản cho các doanh nghiệp về thủ tục hưởng ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Sở Công thương cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.