Cần Thơ: Trả hồ sơ vụ án làm hàng trăm triệu đồng tiền giả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 9/6, TAND TP. Cần Thơ quyết định trả hồ sơ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự Nguyễn Văn Út cùng 7 đồng phạm về hành vi làm, lưu hành tiền giả để điều tra bổ sung.

Theo cáo trạng, vào khoảng đầu tháng 02/2021, Nguyễn Văn Út (SN 1988, ngụ quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) nảy sinh ý định làm tiền giả để lưu hành, nên đã chuẩn bị máy in màu và cùng với Bùi Trọng Vinh (SN 1984), Nguyễn Thị Tú Anh (SN 1994) cùng ngụ tại Cần Thơ, Lê Minh Tính (SN 1997), Lê Minh Nhí (SN 1996) cùng ngụ Kiên Giang và Phạm Hoàng Tín (SN 2001) ngụ Vĩnh Long, làm tiền giả loại có mệnh giá 5.000 đồng tại nhà số 1464, khu vực 4, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Sau khi làm ra tiền giả loại mệnh giá 5.000 đồng thì Út, Vinh và Hoàng Tín đem đi lưu hành nhiều nơi. Sau đó, Út, Vinh, Tú Anh, Minh Tính và Hoàng Tín tiếp tục đi mua máy in, máy ép nhựa, laptop đem về nhà số 218 đường Nguyễn Chí Thanh, khu vực I, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ do Út và Vinh thuê để tiếp tục làm tiền giả có mệnh giá 500.000 đồng. Tiền giả loại mệnh giá 500.000 đồng làm ra được một số cất giữ ở nhà, còn lại Vinh, Hoàng Tín, Nhi, Út và Ngô Chí Nhân (SN 1999, ngụ huyện Cờ Đỏ,TP. Cần Thơ) đem đi lưu hành qua các tỉnh thành như Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long để tiêu thụ.

Mở rộng điều tra, Cơ quan chức năng xác minh rõ vai trò, nhiệm vụ chức năng của từng cá nhân trong vụ án. Cụ thể, do Út có ý thức tư lợi cá nhân nên đã thỏa thuận thống nhất với Vinh cùng nhau làm tiền giả, để cất giấu và mang đi lưu hành nhằm thu lợi bất chính. Thời gian này, Út và Vinh đã làm ra được 83.000.000 đồng tiền giả mệnh giá 5.000 đồng và được 116.000.000 đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Các đối tượng còn lại gồm Tú Anh, Minh Tính, Hoàng Tín, Nhí, Nhân có hành vi giúp sức cho Út và Vinh làm tiền giả và lưu hành tiền giả (mua và hỗ trợ xử lý máy in, cắt, rọc, ép số, tiêu hủy tiền giả khi bị hư…). Riêng đối với Dương Quốc Dưỡng biết rõ 3 tờ tiền mệnh giá mỗi tờ là 500.000 đồng mà Út và Nhí đưa là tiền giả, không sử dụng được nhưng Dưỡng vẫn yêu cầu anh ruột là Dương Quốc Sinh trộn vào tiền thật để trả cho người bán tôm, đổi lấy tiền thật cho Dưỡng xài.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, bị cáo Vinh trả lời luật sư bào chữa rằng, tổng số tiền giả mà cơ quan chức năng thu được làm vật chứng không tới 83.000.000 đồng như cáo trạng mà Viện kiểm sát đã nêu. Bị cáo Vinh cho rằng, trong cọc tiền Vinh đã buộc lại chỉ tầm 10 – 12 cọc, mỗi cọc 3.000.000 đồng, loại mệnh giá 5.000 đồng thì không thể nào lên đến con số trên được. Ngoài ra, theo luật sư bào chữa của bị cáo Tú Anh chưa đồng tình và phản bác với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát rằng, trong quá trình điều tra bị cáo thành khẩn khai báo, nhưng với vai trò giúp sức, hỗ trợ làm tiền giả chứ không hề có hành vi lưu hành tiền giả.

Sau thời gian nghị án, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án để bổ sung, điều tra làm rõ hành vi đồng phạm về lưu hành tiền giả của các bị cáo Tú Anh, và hành vi đồng phạm về tàng trữ của bị cáo Minh Nhí. Đồng thời yêu cầu điều tra làm rõ hành vi của đồng phạm và những người khác có liên quan, cũng như xác minh rõ số tiền giả mà các bị cáo đã làm giả…

Đọc thêm