Ngày 3/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội nghị “Nghị quyết 02: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Đại diện cho cộng động doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhấn mạnh, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đóng vai trò rất quan trọng.
Bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, nên việc cải cách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tốt nhất trong môi trường kinh doanh có mức độ cạnh tranh cao, tạo sân chơi tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài là một nhu cầu tất yếu.
Ông Thân đánh giá, qua 3 năm triển khai Nghị quyết 02, vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên đáng kể so với năm 2018.
Theo ông Thân, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên 2 yếu tố quan trọng là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ.
“Nếu nhìn qua góc độ phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chúng ta có lẽ chỉ đạt 5/10 điểm. Tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất chậm và chưa tận dụng được lợi thế người dùng internet ở trong nước”, ông Thân nhìn nhận.
Chủ tịch Nguyễn Văn Thân đề xuất Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn phù hợp để dành cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, và nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói riêng trong lộ trình từ nay đến năm 2025.
Bên cạnh đó, ông Thân còn nhấn mạnh việc để thực sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt thì điều thiết yếu, cơ bản là các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được hưởng thụ chính sách và cơ hội phát triển như nhau. Chẳng hạn như các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được tham gia vào các dự án đầu tư công thì sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, con người đến lập hồ sơ dự thầu và thi công, quyết toán.
“Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trải qua một thời gian họ sẽ trở thành các doanh nghiệp lớn. Do vậy, tôi vẫn tha thiết kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét, dành khoảng 30% công trình, dự án đầu tư công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia.