Những dòng giới thiệu hấp dẫn
Dự án “Thuê tôi đi” được khởi xướng bởi chàng trai trẻ Đoàn Trần Anh Tuấn (sinh năm 1987), hiện là giám đốc điều hành của một công ty tại TP.HCM. Lời rao cho thuê bản thân với giá 200.000 đồng/giờ của Anh Tuấn đã nhanh chóng được một số bạn trẻ hưởng ứng.
Trên tài khoản Facebook cá nhân, các bạn trẻ tự đăng phần giới thiệu và nhờ bạn bè chia sẻ, nhằm tìm kiếm một công việc làm thêm trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ. Họ có thể làm mọi việc, từ nấu ăn, rửa bát, lau nhà, cắt cỏ, làm vườn, chăm sóc em nhỏ hoặc người già nằm bệnh, đến những việc xem phim, làm thơ, đi uống cà phê, đi dạo…, miễn không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục.
Bạn trẻ tự giới thiệu bản thân trên Facebook. |
"Tôi có hơn 5 năm trải nghiệm trong ngành marketing kể từ khi tốt nghiệp, gồm 3 năm làm Marketing truyền thống, có quảng cáo và quản lý sự kiện, sau đó hơn 2 năm làm tiếp thị kỹ thuật số. Tôi có thể tư vấn cho bạn một chiến dịch Marketing hoàn chỉnh...".
“Linh sẵn sàng làm mọi việc người thuê yêu cầu, miễn không vi phạm pháp luật hoặc thuần phong mỹ tục. Thời gian phục vụ là sau giờ hành chính, thỏa thuận để có thời gian phù hợp nhất. Linh sẽ từ chối nếu công việc không phù hợp…”.
“Tôi có thể làm những việc từ rửa xe, quét nhà, lau nhà, dọn vệ sinh đến chụp ảnh, phục vụ, tán gẫu, cùng lang thang tản bộ, ăn tối, xem phim… hoặc những việc liên quan đến công việc như: chia sẻ kinh nghiệm làm việc trong ngành, hướng nghiệp, hoặc đơn giản là chỉ ngồi nghe bạn phàn nàn về tất cả những phiền phức trong cuộc sống, hoặc tất cả những gì bạn nghĩ ra và tôi có thể làm được…”.
Đó là những gì mà các bạn trẻ tham gia dự án tự “lăng xê” để được thuê trên tài khoản Facebook cá nhân.
Thiếu ràng buộc về mặt pháp lý sẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng
Tuy xuất phát từ tâm sáng nhưng dự án “Thuê tôi đi” do Đoàn Trần Anh Tuấn khởi xướng cũng khiến không ít người lo ngại bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ, lợi bất cập hại. Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - giảng viên Trường Cao đẳng Nghề hàng hải đưa ra nhận xét, đây là một dự án khá táo bạo của các bạn trẻ, xuất phát từ mục đích tốt, nhưng rất dễ bị lợi dụng.
Các bạn trẻ tham gia đều muốn có một trải nghiệm thú vị, được khám phá và thử thách bản thân. Và điều đặc biệt, họ muốn gây quỹ làm việc thiện nguyện. Nhưng đây là dự án được thành lập trên ý tưởng của một người trẻ, chỉ dựa trên sự “táo bạo” và “liều”, không có sự ràng buộc về mặt pháp lý, không có tổ chức quản lý nhất định nên dễ bị những phần tử xấu lợi dụng.
“Khi đăng ký người ta nói làm việc chân chính, nhưng khi đến nhận việc có thể là bất chính. Từ chối không làm cũng mất công, mất thời gian đi lại của mình. Có nhiều tình huống các bạn trẻ đâu dễ thoát thân. Chưa kể đến những rủi ro mà người cho thuê bản thân có thể gặp phải. Từ việc phải “trải nghiệm” những công việc mà mình chưa quen làm, cho tới việc gặp những người thuê thích hạch sách, thích soi lỗi, thậm chí có hành vi bạo lực thì các bạn phải xử lí như thế nào?” - bà Hoài đặt vấn đề.
Một giờ kiếm được 200.000 đồng, đây là một khoản thù lao khá hấp dẫn, nhưng không phải bạn trẻ nào cũng hào hứng với dự án “Thuê tôi đi”. “Ngoài thời gian đi làm cũng có những ngày nghỉ cuối tuần rảnh rỗi. Nhưng tham gia vào dự án này chắc tôi không dám. Có lẽ nó chỉ phù hợp với những bạn nào có gan một chút. Thực sự dự án rất hay, nhưng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ quá. Thời đại ngày nay người tốt nhiều nhưng kẻ xấu cũng không hiếm” - Quỳnh Hoa, nhân viên Công ty Truyền thông Việt Nam bày tỏ suy nghĩ.
Không chỉ chị Hoa, rất nhiều sinh viên mới ra trường khi được hỏi cũng đều ngần ngại và từ chối tham gia dự án. Vì, theo ý kiến một sinh viên: “Công việc này quả thật quá mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực hơn tích cực”.