Nguy cơ đổ cột…
Trong những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, bão số 5, 6 gây mưa lớn dài ngày và đã xuất hiện lũ trên diện rộng gây nhiều thiệt hại cho nhân dân các tỉnh thành miền Trung, lưới truyền tải điện do Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) cũng không nằm ngoại lệ.
Cụ thể, nhiều vị trí trí cột đường dây 220 - 500kV bị ảnh hưởng lớn do nước lũ dâng cao gây ngập lụt, sạt lở (có ít nhất 5 vị trí đường dây 500kV và 17 vị trí đường dây 220kV bị ảnh hưởng) và trạm biến áp (TBA) 220kV Huế, Đông Hà đã bị nước lũ tràn vào ngập tủ bảng, thiết bị và gần thân máy biến áp 220kV, nguy hiểm trực tiếp đến công tác vận hành.
Trong số các vị trí sạt lở, có vị trí ở vào tình thế rất nguy hiểm (thuộc huyện Đại Lộc - tỉnh Quảng Nam), khi bị sạt lở kè taluy âm có hiện tượng xê dịch mảng lớn các khối đá rọ mái kè từ mặt đường quốc lộ 14B đến sát chân cột. Ngay sau khi phát hiện, PTC2 đã tiến hành các biện pháp khẩn cấp như phát quang, phủ bạt toàn bộ mái kè, đồng thời néo hãm cột vào phía vách núi để ngăn ngừa nguy cơ đổ cột trong những đợt mưa lũ tiếp theo.
PTC2 cũng báo cáo khẩn đến Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và đơn vị quản lý Quốc lộ 14B… nhằm phối hợp xử lý khắc phục nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo an toàn đường dây 500kV cũng như Quốc lộ 14B.
Tại TBA 220kV Huế, PTC2 đã đăng ký với Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Trung (A3) để cô lập ngăn xuất tuyến đường dây 272; máy cắt 133, 233, MBA AT3; máy cắt 134, 234, MBA AT4. Đồng thời huy động 100% lực lượng công nhân vận hành của TBA 220kV Huế và Đội Truyền tải điện Huế xử lý khơi thông các mương thoát nước phía ngoài trạm, tạo dòng chảy đưa nước trong trạm thoát ra ngoài. Sau rất nhiều nỗ lực của lực lượng truyền tải điện, hiện, TBA 220kV Huế trở lại hoạt động bình thường.
Thường xuyên diễn tập phòng chống lụt bão
Hệ thống lưới truyền tải điện của PTC2 quản lý vận hành chủ yếu đi qua các vùng đồi, núi cao có địa hình phức tạp, giao thông khó khăn và địa chất đất không ổn định nên chịu tác động rất lớn khi xảy ra mưa bão như đứt dây, tụt lèo, xói lở móng cột. Đặc biệt tại các vùng xung yếu như đèo Ngang (Quảng Bình); Đèo Mũi Né, Phước Tượng, Phú Gia (Thừa Thiên - Huế); Đèo Hải Vân (Quảng Nam - Đà Nẵng), Đèo Lò Xo, Măng Đen (Kon Tum); Violăk (Quảng Ngãi).
Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, PTC2 đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó chủ động phương châm “4 tại chỗ”; lập các phương án sử dụng cột để sẵn sàng tham gia xử lý sự cố; chủ động ký kết phương án phối hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các địa phương, đơn vị có liên quan để thực hiện công tác phối hợp.
Bên cạnh đó PTC2 luôn quan tâm đến công tác phối hợp với các đơn vị trong, ngoài ngành điện nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của Ban Phòng chống lụt bão các địa phương để xử lý các sự cố khi bão lụt xảy ra.
Ngay sau những đợt mưa lớn, lãnh đạo PTC2 đã chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay công tác kiểm tra tuyến, đặc biệt chú trọng những vị trí cột bị nước ngập sâu dù việc tiếp cận hết sức khó khăn. Những vị trí cột ở trên đồi cao, sườn dốc cũng được kiểm tra kỹ lưỡng nhằm phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện.
Trong khi những hậu quả do mưa lũ do áp thấp nhiệt đới, bão số 5, 6 gây ra chưa được khắc phục xong thì các tỉnh bắc miền Trung lại chuẩn bị đối phó với cơn bão số 7. Khó khăn là thế, nhưng những người lính truyền tải điện vẫn luôn phấn đấu vượt qua mọi thử thách khắc nhiệt của thiên tai, quyết tâm giữ vững dòng điện vận hành àn toàn, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong mùa mưa bão.
Năm 2020 theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, không thể tránh khỏi những tác động trực tiếp của bão lụt. “Kinh nghiệm cho thấy hàng năm, nhờ chủ động công tác phòng ngừa, thực hiện tốt sửa chữa duy tu hệ thống lưới điện cũng như công tác diễn tập phòng chống lụt bão nên PTC2 đã giảm thiểu thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra” - ông Phong chia sẻ.