Cảnh báo khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia

(PLO) -Phát biểu tại phiên họp thứ 4 của Nhóm công tác về khu vực Sahel trong khuôn khổ Diễn đàn toàn cầu chống khủng bố diễn ra tại Cung quốc gia ở Algeria mới đây, ông Abdelkader Messahel, Bộ trưởng Algeria đặc trách các vấn đề Maghreb, Liên minh châu Phi và Liên đoàn Arập nhấn mạnh rằng sự liên kết của loại tội phạm khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức đang phát triển với nhiều hình thức và bao trùm lên nhiều hoạt động tội ác.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tỏ thái độ kiên quyết với khủng bố

Theo ông Messahel, sự liên kết của hai loại tội phạm nêu trên thực sự nguy hiểm và đe dọa nghiêm trọng an ninh và ổn định tại khu vực và trên toàn thế giới. 

Khủng bố lộng hành

Các đối tượng khủng bố ngày càng gia tăng hoạt động tuyển mộ và đưa các đối tượng được tuyển mộ trở lại các địa bàn xung đột trong đó có Iraq, Syria và Libya, đồng thời âm mưu mở rộng địa bàn hoạt động tới nhiều nơi khác không phân biệt biên giới lãnh thổ. 

Hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, giá dầu quốc tế giảm đã ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế của nhiều nước châu Phi, đặc biệt là các quốc gia thuộc hạ vùng Sahara và Sahel vốn phát triển phiến diện với nghèo đói và tỉ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt trong số các thanh niên ngày càng gặp thêm nhiều khó khăn và đời sống của người dân trở nên bần cùng hóa, bất ổn xã hội gia tăng...

Đây là yếu tố bị các đối tượng khủng bố và cực đoan lợi dụng để đẩy mạnh hoạt động lôi kéo tuyển mộ lực lượng, đồng thời tăng cường liên kết với các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy và buôn lậu.

Theo quan điểm của Algeria, để chống khủng bố có hiệu quả, việc thực hiện các biện pháp an ninh là chưa đủ mà cần có một giải pháp đồng bộ với 3 trụ cột là "an ninh-kinh tế xã hội-chính trị". Để tăng cường hiệu quả trong chống khủng bố các nước cần thực hiện đồng bộ những yếu tố sau đây:

Soạn thảo những chương trình hành động chung nhằm ngăn chặn sự di chuyển hoạt động của các đối tượng khủng bố; Có biện pháp xét xử hình sự đối với hành động nộp tiền chuộc đổi lấy con tin; Cần tính tới thiết lập những cơ chế mới nhằm ứng phó với những thách thức an ninh hiện nay (tội phạm tin học trở thành mối đe dọa mới, đòi hỏi các nước có biện pháp kiểm soát tin học bằng việc đẩy mạnh hợp tác làm thất bại mọi kế hoạch khủng bố, đặc biệt là thủ đoạn tuyển mộ thanh niên trên mạng Internet); Thường xuyên nhắc nhở các phương tiện thông tin đại chúng đề cao cảnh giác, trong hoạt động cần đảm bảo tính đạo đức nghề nghiệp và nguyên tắc luật pháp, không để bị biến thành công cụ tuyên truyền cho những quan điểm thù địch hoặc diễn đàn của những đối tượng cực đoan.

Khủng bố Hồi giáo cực đoan đã và vẫn có những diễn biến phức tạp

Ngoài ra, những biện pháp hiệu quả khác góp phần ngăn chặn tài trợ cho khủng bố và hoạt động tuyển mộ của chúng gồm: Thành lập cơ chế đối thoại xã hội mang tính xây dựng và sáng tạo, đặc biệt đối với các tín đồ, chức sắc tôn giáo; cải thiện điều kiện sống, quyền tự do và dân chủ của người dân.

Nghiêm trị khủng bố

Trong khi đó, Hãng tin Al Arabiya đưa tin, một tòa án của Saudi Arabia vừa kết án tử hình 3 đối tượng ở khu vực Qatif, miền Tây nước này, với các tội danh liên quan khủng bố. Một đối tượng khác bị kết án 12 năm tù giam. Cả 4 đối tượng trên bị cáo buộc tham gia một nhóm cực đoan tại Qatif cũng như sử dụng vũ khí để tấn công các trụ sở của cơ quan cảnh sát và một nhà tù.

Tại Philippines, một quan chức nước này cho biết cảnh sát đã bắt giữ 2 người đàn ông âm mưu tiến hành đánh bom gần Đại sứ quán Mỹ tại Manila. Một trong hai đối tượng trên bị bắt tại tỉnh Bulacan (giáp với Manila), là người Hồi giáo cải đạo, và đối tượng còn lại bị bắt tại một khu vực ngoại ô Manila và là người Hồi giáo.

Trước đó, truyền thông Phillippines đưa tin sáng 28/11, nước này đã phát hiện một thiết bị nghi là bom gần Đại sứ quán Mỹ. Quả bom được tìm thấy trong một thùng rác cùng một điện thoại di động và các dây kim loại đen, đỏ nối với một vật thể hình tròn màu đen. Cảnh sát trưởng thủ đô, ông Oscar Albayalde cho biết cảnh sát đang truy lùng 3-5 nghi can chủ mưu liên quan đến vụ việc này.

Ông Albayalde khẳng định: "Nhiều khả năng đây là âm mưu của nhóm Maute", ý muốn nhắc đến nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan từng tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Nhóm này từng bị nghi là tiến hành vụ đánh bom ngày 29/11, làm 7 cảnh vệ của Tổng thống Rodrigo Duterte và 2 binh sĩ ở Mindanao bị thương.

Hồi tháng 10, cảnh sát cũng đã bắt giữ 3 thành viên của Maute vì bị tình nghi dính líu đến vụ đánh bom tháng 9 vừa qua làm 15 người thiệt mạng ở Davao, thành phố lớn nhất của tỉnh Mindanao.

Tại Thái Lan, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 3 đối tượng nam giới bị nghi âm mưu tiến hành đánh bom nhằm vào các khu du lịch ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Trả lời các phóng viên, Phó Tư lệnh cảnh sát quốc gia Srivara Ransibrahmanakul cho biết cả 3 đối tượng trên, đều đến từ các tỉnh phía Nam có đa số người Hồi giáo sinh sống, âm mưu tấn công 6 địa điểm.

Theo ông Srivara, cảnh sát cho rằng các đối tượng này không phải là những phần tử ly khai. Trong một thông cáo, cảnh sát nhận định âm mưu tấn công "nhằm gây bất ổn". 

Các vụ đánh bom thường xảy ra tại 3 tỉnh cực Nam Thái Lan, gồm Yala, Narathiwat và Pattani, nơi bạo loạn đã khiến hơn 6.500 người thiệt mạng kể từ năm 2004. Tuy nhiên, làn sóng đánh bom hồi tháng 8 vừa qua xảy ra tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ngoài các tỉnh miền Nam này khiến 4 người Thái Lan thiệt mạng và hàng chục người bị thương, trong đó có người nước ngoài. Hiện chưa có nhóm nào nhận là thủ phạm của các vụ tấn công này.

Siết chặt luật pháp

Để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng siết chặt các quy định trong luật pháp của mình.

Australia ngày 1/12 vừa qua đã thông qua dự luật giam giữ vô thời hạn phần tử khủng bố, theo đó, các tội phạm khủng bố nguy cơ cao ở Australia có thể bị giam giữ kể cả sau khi mãn hạn tù.  Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã công bố dự luật trên hồi tháng 7 vừa qua, do tần suất và tính nghiêm trọng của nhiều vụ tấn công trên khắp thế giới.

Theo đó, luật trên sẽ cho phép Tổng Chưởng lý George Brandis áp dụng gia hạn giam tiếp 12 tháng trước khi hết thời hạn chấp hành hình phạt tù. Để các quy định này được áp dụng, Tòa án Tối cao Australia sẽ cần chứng tỏ rằng phạm nhân có nguy cơ thực hiện một vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng không thể chấp nhận được nếu được phóng thích. 

Khủng bố và tội phạm xuyên biên giới đe dọa nghiêm trọng an ninh, ổn định 

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan nhấn mạnh, dự luật trên củng cố năng lực của các cơ quan an ninh để tiếp tục giam giữ các đối tượng nếu họ phạm tội khủng bố nghiêm trọng...và không chịu hối cải.

Theo Bộ trưởng Keenan, kể từ khi Australia nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao hồi tháng 9/2014, đã có 55 người bị buộc tội trong 24 chiến dịch chống khủng bố của lực lượng chức năng. Hiện 40 người bị xét xử vì những hành vi liên quan đến khủng bố. Trong giai đoạn này, có 4 vụ tấn công xảy ra ở Australia, trong khi lực lượng chức năng đã nỗ lực đập tan 11 âm mưu tấn công khác.

Cùng ngày, Thượng viện CH Séc cũng thông qua một sửa đổi trong bộ luật hình sự, theo đó hình phạt đối với hoạt động ủng hộ khủng bố sẽ bị siết chặt và đối tượng phạm tội khủng bố sẽ phải đối mặt với mức án từ 3 đến 12 năm tù giam.

Theo luật pháp hiện hành của Séc, việc ủng hộ tài chính cho khủng bố ban đầu bị phạt thông qua tội tấn công khủng bố. Tuy nhiên, theo dự luật sửa đổi cũng đã được Hạ viện Séc thông qua hôm 19/11 này, việc tài trợ khủng bố và khuyến khích khủng bố sẽ được quy định thành những hành vi phạm tội riêng rẽ.

Dự luật này cũng quy định tội danh riêng đối với các đối tượng "một mình hoặc thông qua người khác để hỗ trợ một kẻ khủng bố, một nhóm khủng bố hoặc trở thành thành viên khủng bố và vi phạm tội khủng bố liên quan đến tiền và vật liệu; hoặc quyên góp tiền và vật dụng phục vụ mục đích nguy hiểm này.

Các tội danh mới cũng bao gồm hành vi đe dọa tiến hành khủng bố hoặc tham gia một nhóm khủng bố. Ngoài ra, dự luật trên cũng siết chặt hình phạt đối với tội trộm cắp, cướp giật, gian lận và tống tiền nhằm tạo điều kiện cho hoạt động khủng bố. Dự luật này sẽ được trình lên Tổng thống Séc Milos Zeman để được phê chuẩn thành luật và dự kiến chính thức có hiệu lực vào ngày 1/2/2017 tới.../.

Đọc thêm