Trả giá cho những hành vi lừa đảo
Vào tháng 11/2020, Gia Lai rúng động trước thông tin một “đại gia” Trần Thị Kim Phú (SN 1975, trú tại xã Iader, huyện Ia Grai) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Gia Lai bắt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua điều tra ban đầu, từ năm 2015-2016, một số hộ dân là người DTTS trên địa bàn đã đến nhà bà Phú vay tiền . Lợi dụng sự tin tưởng và thiếu am hiểu của người dân, bà Phú đã dùng thủ đoạn sang tên cho người thân của mình những tài sản rồi đem thế chấp tại ngân hàng.
Bước đầu xác minh đã có 2 hộ dân bị bà Phú lừa để chiếm đoạt 5 tài sản là quyền sử dụng đất với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, mới đây một số hộ dân trên điạ bàn xã Iader tiếp tục làm đơn kêu cứu đến các cơ quan báo chí về việc bà Phú chiếm đoạt nhiều tài sản của họ.
Thủ đoạn chủ yếu của đối tượng này là mua một phần trong số tổng diện tích đất của người DTTS nhưng khi ra công chứng đã công chứng sang tên mình và người thân tất cả số tài sản trên. Sau khi sang tên, toàn bộ số tài sản trên đều được người đàn bà này mang thế chấp tại một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Người dân chỉ biết mất đất khi một ngày cán bộ ngân hàng đến yêu cầu thu hồi nợ.
Vì tin lời kẻ xấu, người dân ở huyện Chư Sê bỗng mất nhà |
Hay như vụ Phạm Thị Nga (SN 1963, trú thôn Kueng Đơn, xã Hbông, huyện Chư Sê) đã nhờ 15 hộ đứng tên vay vốn hơn 400 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Sê. Với số tiền chiếm đoạt được, bà Nga đóng lãi hàng tháng cho Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê, trả lãi các khoản vay tại Ngân hàng BIDV, Ngân hàng HDBank, đầu tư đa cấp và trả các khoản vay lãi suất cao bên ngoài dẫn đến mất khả năng trả nợ.
Chỉ đến khi, cán bộ ngân hàng phát hiện vốn sử dụng không đúng mục đích nên đã mời Nga và các hộ dân đến làm việc. Sau đó, Nga trốn khỏi địa phương và bị bắt khi đang đi làm thuê ở Hải Phòng. Hiện đối tượng này đã bị cơ quan điều tra công an tỉnh Gia Lai khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tháng 7 năm 2021, toà án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt đối tượng Hà Thị Toan (SN 1980, trú tại tổ 10, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) l9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đặc biệt, trong vụ án này còn có 4 cán bộ bị “hầu toà” vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai với quy định của pháp luật.
Thủ đoạn mà đối tượng Hà Thị Toan lừa đảo chủ yếu là do lợi dụng lòng tin của người dân và sự thiếu hiểu biết của người dân tộc. Toan đã bảo họ ký nhiều chữ ký khống vào giấy rồi Toan tự thêm nội dung vào. Sau đó Toan đã làm giấy tờ những thửa đất trên đứng tên mình và nguời thân của thị. Sau đó, đối tượng nay đã đem thế chấp các ngân hàng trên điạ bàn với số tiền là 4,3 tỉ để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Đối tượng Hà Thị Toan tại phiên toà |
Còn đó nhiều lỗ hổng?
Để xảy ra tình trạng trên, theo cơ quan Công an, nguyên nhân là do các đối tượng lừa đảo hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi trong khi người bị hại là những hộ dân người đồng bào DTTS với hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhất là các quy định liên quan đến việc cấp, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất, các thủ tục vay vốn ngân hàng.
Mặt khác, thời gian qua, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý, đăng ký đất đai, công chứng, chứng thực, thẩm định cho vay… còn sơ hở, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Khi thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng hoặc công chức địa chính, tư pháp tại UBND cấp xã mặc dù trong thời điểm công chứng không đầy đủ thành phần tham gia, không có người thông dịch trong những trường hợp theo quy định nhưng vẫn tiến hành chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Không loại trừ khả năng các đối tượng phạm tội móc ngoặc với các cá nhân trên để công chứng, chứng thực các hợp đồng chuyển nhượng.
Quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thực hiện đăng ký đất đai, một số cán bộ làm công tác quản lý, đăng ký đất đai thực hiện không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đất đai như không xác minh, kiểm tra nguồn gốc, hiện trạng, tranh chấp, thời điểm tạo lập tài sản, sự phù hợp quy hoạch; không thông báo niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ… nhưng vẫn tham mưu cấp bìa đỏ.
Quá trình làm thủ tục chỉnh lý, cập nhật biến động đất đai, chỉ kiểm tra về thành phần, cấu tạo hồ sơ, nội dung trên hợp đồng công chứng mà không xác định các điều kiện để được chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng theo Luật đất đai như xác định đất có tranh chấp; trong quy hoạch 3 loại rừng, đất trồng lúa, đất của người DTTS do Nhà nước giao theo chính sách hỗ trợ…
Việc thẩm định hồ sơ vay vốn, một số cán bộ nhân viên Ngân hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình thẩm định tài sản thế chấp; chủ quan, tin tưởng vào giao dịch bảo đảm hoặc không kiểm tra thực tế nên duyệt hồ sơ cho vay cao hơn giá trị thực tế dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng.
Điển hình trong vụ này là liên quan đến vụ án Lê Thị Toan, 4 cán bộ tại huyện Chư Sê bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, đầu tháng 8-2019, Công an tỉnh Gia Lai ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Lam - Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê; Trần Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND xã Ia Ko, Lê Văn Toan - Cán bộ địa chính - xây dựng xã Ia Ko; Huỳnh Thị Phượng - Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Sê để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị can trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì liên quan đến việc lừa đảo cho vay tiền để chiếm đất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn năm 2014 - 2015 do Toan thực hiện. Quá trình điều tra, lực lượng Công an phát hiện 4 cán bộ trên có liên quan đến vụ án lừa đảo của bị can Toan.
Theo đó, giai đoạn 2014 - 2015, ông Lam giữ chức vụ phó Phòng Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Sê, sau đó được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng UBND, HĐND huyện này.
Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất, Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở thường xuyên nắm tình hình cơ sở, nhất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để ngăn chặn kịp thời những vụ lừa đảo đối với người DTTS trên địa bàn; đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, phối hợp với các ban ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn có liên quan để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác.