“Cao bồi” Đà Lạt 40 năm làm yên ngựa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đến Đà Lạt (Lâm Đồng), du khách không còn xa lạ với những chú ngựa được người dân cho thuê để làm dịch vụ du lịch. Trên lưng chúng thường được trang bị bộ yên thiết kế công phu thêm phần dũng mãnh. Ít ai biết ở phố núi này, có lẽ chỉ duy nhất người đàn ông ngấp nghé tuổi lục tuần còn gắn bó với nghề làm yên ngựa.
Ông Dũng đeo bộ yên cho ngựa trước khi leo núi.
Ông Dũng đeo bộ yên cho ngựa trước khi leo núi.

Câu chuyện “học nghề”

Nhiều người ở Đà Lạt gọi ông Nguyễn Anh Dũng (SN 1967, trú thuộc ấp Nam Hồ, phường 11, TP Đà Lạt) với cái tên gần gũi “Dũng cao bồi”. Với chiếc áo da và phong thái mạnh mẽ trên yên ngựa, ông Dũng giống những cao bồi ở miền Tây nước Mỹ.

Theo ông, sau giải phóng, phong trào đưa ngựa vào du lịch ở Đà Lạt khá nổi, nhưng lúc đó còn sơ khai, mộc mạc. Toàn thành phố có khoảng hơn 200 con ngựa cho khách thuê chụp hình và cưỡi ngoạn cảnh. Thời đó không phải ai cũng có tiền mua ngựa, đặc biệt là yên ngựa. Thay vào đó người ta lấy dây thừng, bao bố để lót nên hay gặp tình trạng khách thuê bị ngã ngựa.

“Từ nhỏ tôi đã có tình cảm rất đặc biệt với ngựa. Năm 10 tuổi vì gia cảnh khó khăn, tôi cùng bố chăn ngựa thuê ở trường đua Phú Thọ (Sài Gòn). Ngày ngày tiếp xúc với ngựa, cho ngựa ăn, đến ao ước có một con ngựa cho riêng mình”, ông Dũng nhớ lại. Ngoài vẻ tráng kiệt của những chú ngựa, ông Dũng còn rất thích thú với những chiếc yên ngựa. Sau những tháng ngày bôn ba, gia đình ông Dũng chuyển lên Đà Lạt sinh sống, từ nguồn vốn tích góp mua được con ngựa, làm nghề cho thuê ngựa cưỡi, chụp ảnh.

Theo ông Dũng, ngày trước yên ngựa ở Đà Lạt rất hiếm, chỉ có vài cái của người Pháp được làm rất cầu kì. Khi nghe kể có một người ở Đà Lạt đang sở hữu chiếc yên ngựa chính hiệu của Pháp, ông nhờ bố tìm cách mượn về dùng thử: “Đó là một đêm của năm 1983, bố tôi vừa đưa yên ngựa về nhà, hai bố con lập tức “xẻ” ra xem có gì trong đó. Vừa tháo từng mũi chỉ may, vừa phác thảo, ghi chép lại những chi tiết, kết cấu của chiếc yên ngựa”, ông Dũng nhớ lại. Buổi tối hôm đó, hai bố con ông thức xuyên đêm để may lại chiếc yên vì tháo ra thì dễ nhưng “chữa” lại rất khó.

Hiểu được cách làm yên ngựa của người Pháp, bố con ông Dũng bắt tay vào làm ngay. Cũng từ đây ông trở thành người làm yên ngựa đầu tiên ở phố núi khi mới 17 tuổi.

Những sản phẩm phong cách cao bồi được vợ chồng ông Dũng tự tay làm ra.

Những sản phẩm phong cách cao bồi được vợ chồng ông Dũng tự tay làm ra.

Ông Dũng đo đạc da bò để bọc phần cốt yên ngựa.

Ông Dũng đo đạc da bò để bọc phần cốt yên ngựa.

Gìn giữ đam mê

Một chiếc yên ngựa đầy đủ gồm nhiều bộ phận như: yên, dây ức, dây đuôi, khớp miệng để nài ngựa điều khiển dây cương,...

Tất cả đều được làm thủ công với nhiều chi tiết, đường may cầu kì.

Để hoàn thành một chiếc yên ngựa, phải trải qua nhiều công đoạn, trước hết là đóng bộ cốt định hình. Công đoạn này đặc biệt quan trọng, phần khung yên ngựa quyết định sản phẩm làm ra có đạt chất lượng không. Phần khung này được làm từ gỗ dầu, bền, đẹp, không bị nứt, quá trình đục đẽo phần khung yên ngựa được đẽo hoàn toàn thủ công chỉ với đục, búa.

Mỗi mẫu cốt sẽ phù hợp cho những dáng ngựa khác nhau, tùy ngựa béo, gầy. Trước khi đẽo phần khung yên ngựa, người thợ sẽ quan sát, đo đạc, thế lưng của mỗi con, đặc biệt là tư thế khi những con ngựa phóng nước đại, phải căn chỉnh sao cho bộ cốt vừa bám sát vào phần lưng của ngựa. Sau khi hoàn thành phần cốt, sẽ tiến hành bọc da, nhồi bông, may các đường da lại với nhau, cuối cùng là may thêm các bộ phận trang trí khác như: dây cầm, đai, dây bụng,... Trung bình mỗi cái yên ngựa phải mất 10 ngày để hoàn thành.

“Làm yên ngựa chủ yếu xuất phát từ đam mê, trước đây rất ít nhà có điều kiện để mua yên ngựa, chủ yếu mình làm để tự phục vụ nhu cầu của bản thân, gia đình. Mãi đến những năm 1980 khi nhu cầu tăng mới dẫn đến mua bán. Những năm sau giải phóng, mỗi cái yên ngựa có giá khoảng 75 ngàn đồng/cái, tức hơn 5 phân vàng lúc bấy giờ” - ông Dũng cho hay.

Từ khi bắt đầu làm yên ngựa, ông Dũng được nhiều người biết đến với cái tên “Dũng yên ngựa” hay “Dũng ngựa”. Khách hàng từ khắp nơi cũng tìm đến để đặt mua hàng. Nhiều khách nước ngoài cũng tìm mua yên ngựa do ông làm. Ông giải thích, yên ngựa ở nước ngoài có giá 1.500 USD/cái, còn yên do ông làm ra lại có giá rẻ hơn rất nhiều, dao động từ 5 đến 15 triệu đồng/cái. Đặc biệt, người thợ phố núi còn sáng tạo để chiếc yên ngựa vừa bền chắc, vừa hữu dụng hơn. Chẳng hạn yên của nước ngoài thông thường có trọng lượng từ 20-30kg, cộng thêm trọng lượng của người cưỡi nữa sẽ làm ngựa bị đau, mệt. Do đó, ông Dũng đã gọt yên lại, loại bỏ những phần thừa nhằm giảm trọng lượng của chiếc yên chỉ còn tối đa 8kg.

Làm yên ngựa đã hơn 40 năm, đến giờ ông Dũng vẫn khẳng định: “Tôi chưa từng nghĩ đến việc làm yên ngựa để kiếm tiền, tôi chỉ chú tâm vào ngựa, làm yên ngựa như cách thỏa mãn đam mê của mình. Bởi làm yên mất nhiều thời gian, công sức, chưa kể chi phí nguyên liệu”. Cũng vì lý do đó, đến nay ông Dũng vẫn chưa tìm được ai thực sự thích, đam mê công việc này để nối nghề.

Ngoài làm yên ngựa, ông Dũng còn làm thêm nhiều sản phẩm mang phong cách cao bồi, phụ kiện chơi ngựa như: Áo da, giày da, mũ cao bồi, túi đeo hông... Tất cả đều do vợ chồng ông may thủ công. Đây cũng là nguồn thu nhập chính để ông vừa trang trải cuộc sống vừa nuôi dưỡng và sống với đam mê của mình.

Số lượng người còn duy trì dịch vụ du lịch bằng ngựa ở Đà Lạt chỉ đếm trên đầu ngón tay, khách hàng mua yên cũng thưa dần. Nhưng với sự đam mê, Dũng “cao bồi” quyết tâm nối mạch công việc ông đã bao năm thực hiện. Ông tự hào chiếc yên ngựa cũng chính là một nét riêng, đặc trưng khi nhắc đến du lịch Đà Lạt.

Đọc thêm