Cao điểm 15 ngày chống dịch tại TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  TP HCM chiều 9/7 tổ chức buổi họp trực tuyến với các Sở, ban ngành và lãnh đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai phát động thi đua cao điểm trong thời gian thực hiện tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch và Kế hoạch thực hiện điều phối xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn TP.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở TP Hồ Chí Minh.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở TP Hồ Chí Minh.

Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID - 19

Với mục tiêu vận động toàn thể nhân dân, toàn hệ thống chính trị TP cùng đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia cùng chính quyền TP, đẩy lùi dịch bệnh COVID -19 trong vòng 15 ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM tổ chức phát động phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19” trên địa bàn TP HCM.

Các đối tượng thi đua, chủ trương, biện pháp do Ban Chỉ đạo TP, địa phương triển khai. Mục tiêu kéo giảm số F0 phát sinh trong cộng đồng hàng ngày trên từng địa bàn để giảm cấp độ màu tùy theo từng địa phương nhằm “xanh hoá” toàn bản đồ COVID - 19 của TP. UBND TP HCM sẽ có hình thức khen thưởng đối với các tập thể nỗ lực kéo giảm các ca F0 cộng đồng; các cá nhân tham gia tích cực, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương, đơn vị.

Báo cáo về Kế hoạch thực hiện điều phối xét nghiệm COVID - 19-19 trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, để đảm bảo 5K, các địa phương sẽ tổ chức lấy mẫu theo hộ gia đình. Công tác lấy mẫu xét nghiệm phải tập trung, đi vào trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo mục tiêu lấy mẫu sàng lọc của người dân tại các quận, huyện, TP Thủ Đức, trong đó ưu tiên khu cách ly, khu phong tỏa, các khu vực – địa điểm thuộc nhóm nguy cơ rất cao, cao và các nơi có nguy cơ. Các mẫu được lấy phải đảm bảo chất lượng, không chạy theo hình thức, số lượng…

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho rằng, mục tiêu của việc xét nghiệm tầm soát COVID - 19-19 trong 15 ngày tới là làm sao cơ bản tầm soát hết F0, để tách ra khỏi cộng đồng, xây dựng vùng an toàn, thu hẹp dần đến xóa vùng nguy cơ cao. Công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên.

Ông Mãi nhắc việc lấy mẫu phải gắn với năng lực xét nghiệm và sự chỉ đạo sát sao của các địa phương để tổ chức lực lượng, tránh tồn động làm hư mẫu, trả kết quả chậm. Ngoài ra, TP đã thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, trực 24/24 để tác chiến kịp thời trong mọi tình huống. Tổng đài 1022 sẽ tiếp nhận mọi thông tin, phản ánh, đề xuất của người dân, quận - huyện 24/24.

Về phát động phong trào thi đua, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc thi đua phải hỗ trợ cho công tác chống dịch chứ không phải là hoạt động hình thức.

Gỡ vướng trong áp dụng Chỉ thị 16

Trong ngày 9/7, UBND TP HCM cũng đưa ra nhiều hướng dẫn, quyết định tháo gỡ vướng mắc đối với việc áp dụng Chỉ thị 16. Các Sở, ban ngành đề xuất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19.

UBND TP HCM yêu cầu Sở Công Thương tăng lượng hàng thực phẩm chế biến sẵn ở các siêu thị; tổ chức tình nguyện viên đi chợ thay... trong thời gian dừng dịch vụ ăn uống mang đi. Đồng thời, tăng lượng hàng thực phẩm chế biến sẵn với chủng loại đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp hệ thống giao hàng online; các hình thức phân phối trực tiếp đến tay người dân.

UBND các địa phương nắm bắt khó khăn của người dân, các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội. Từ đó có giải pháp hướng dẫn người dân mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đặt hàng qua ứng dụng công nghệ.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần hỗ trợ để cung cấp thực phẩm cho người dân như: tổ chức lực lượng tình nguyện viên “đi chợ thay”; trực tiếp đặt hàng qua điện thoại của tình nguyện viên và giao trực tiếp người có nhu cầu; cung cấp thức ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh và trường hợp cần hỗ trợ.

Sở LĐTB-XH đề xuất UBND TP HCM hỗ trợ lao động tự do là xe ôm truyền thống, xe xích lô. Theo Sở, đây là nhóm lao động yếu thế, công việc và thu nhập bấp bênh, không ổn định. Họ không sử dụng công nghệ để tìm kiếm khách, mà chủ yếu hoạt động tại các địa điểm cố định như chợ, bến xe, các dịch vụ lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, các địa điểm vui chơi, giải trí, các địa điểm du lịch, tham quan, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng… Đây là những điểm phải dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID - 19.

Trong thời gian giãn cách, nhóm lao động này cơ bản bị mất việc làm, thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu, hiện đang gặp nhiều khó khăn.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm