(PLO) - Nước da trắng trẻo, gương mặt sáng sủa, thông minh thế nhưng Nguyễn Văn Tiến là một trong những người “thường trú” ở trại cai nghiện. Ngồi nghe Tiến kể mới thấy nguyên nhân đưa đẩy Tiến đến nơi này không hoàn toàn chỉ là lỗi của cậu…
Vực thẳm bất ngờ
Cuộc đời Tiến thay đổi hoàn toàn kể từ phiên tòa tháng 8/2008. Đó là phiên tòa ly hôn giữa cha mẹ cậu. Trước đó, Tiến vẫn là cậu học sinh ngoan ngoãn, sống trong một gia đình êm ấm, sung túc mà ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ: Cha là giám đốc một doanh nghiệp, mẹ là chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh thức ăn, Tiến là con trai duy nhất của ông bà.
Con nhà giàu, nhưng Tiến không ăn chơi, đua đòi mà có cuộc sống rất lành mạnh, những trò vui đúng chất học trò của lứa tuổi mình. Học không xuất sắc, nhưng nhiều năm liền Tiến là học sinh khá của trường. Nếu cuộc sống cứ trôi đi như thế, thì theo kế hoạch, học xong cấp 3 Tiếng sẽ làm thủ tục đi du học ở Úc, tương lai thật sáng lạn.
Vô tư sống, vô tư ăn học, và tận hưởng một không khí gia đình êm ấm, cậu học trò không hề nhận ra sự rạn nứt âm thầm bên trong vẻ ngoài bình lặng của cha mẹ mình. Điều này không phải là lỗi của Tiến, mà là lỗi của cha mẹ cậu. Cả hai, đều là những người khả kính và thành đạt trong xã hội, họ đã xây dựng vẻ hạnh phúc, gia đình mẫu mực với người ngoài và cả con trai của mình.
Thực sự, từ hơn 5 năm qua, họ đã không còn tình yêu với nhau. Lấy nhau do tình yêu, nhưng rồi không hiểu sao mối quan hệ vợ chồng ngày càng nhợt nhạt đi. Có lẽ, trong quá trình đeo đuổi giấc mơ làm giàu gầy dựng sự nghiệp, họ dần lãng quên vun vén tình vợ chồng. Chỉ biết rằng, khi có đầy đủ tất cả, nhìn lại thì họ đã không còn chút tình yêu nào dành cho nhau.
Muốn duy trì một gia đình lý tưởng, cả hai chọn cho mình cách đóng kịch bên ngoài, và bên trong thì sống đúng với sở thích : Mỗi người có một cuộc sống tình cảm, tình dục riêng. Hai vợ chồng thỏa thuận với nhau như thế, và mọi chuyện sẽ tiếp tục yên nếu cả hai người đều giữ đúng cam kết và đóng trọn vai của mình.
Thế nhưng, chuyện bất ngờ đã xảy ra: Tình nhân của cha Tiến có con với ông, và cha Tiến quyết định ly hôn để công khai mối quan hệ ngoài luồng của mình, xây dựng hạnh phúc mới. Đến ngày gia đình dẫn nhau ra tòa, Tiến vẫn không thể nào hiểu nổi, tại sao cuộc sống bình yên đã khép lại đột ngột như thế. Như thể một vực thẳm bất ngờ mở ra ngay trước mắt Tiến khiến cậu hụt chân…
Sau khi gia đình tan vỡ, Tiến sống với mẹ. Nói là sống vậy thôi, chứ chủ yếu là sống một mình. Mẹ Tiến tất bật với các chuyến giao dịch và các cuộc đi nước ngoài, thời gian còn lại hầu như dành cho các tình nhân. Tiến bỗng hóa trẻ mồ côi khi còn cha mẹ, chỉ được cái là tiền nhiều. Để bù đắp cho con, hàng tuần mẹ Tiến cho cậu rất nhiều tiền để tiêu. Cha Tiến, hành tuần cũng ghé qua thăm hỏi, cho cậu cả xấp tiền rồi mới đi. Với họ, như thế là đã bù lại tình cảm mà họ đã tước đi của Tiến. Với Tiến, những đồng tiền ấy, cộng với nỗi hụt hẫng chán đời đã đẩy cậu vào một cuộc đời khác.
|
Hôn nhân không hạnh phúc của cha mẹ đã đẩy Tiến đến với "cái chết trắng". Ảnh minh họa: nguồn Internet |
Những trò chơi giản dị của tuổi học trò đã không còn khi Tiến trong tay quản lý nhiều tiền, chạy xe xịn. Bắt đầu cuộc chơi của con nhà giàu với sàn nhảy, những chuyến chơi xa tiêu tiền bạc triệu, dần dà Tiến còn bị bạn bè rủ rê đi “ăn bánh trả tiền” với các cô gái làng chơi. Học cái tốt thì khó mà học cái xấu thì quá dễ, rất nhanh chóng, Tiến nghiện những thú vui mới, quên dần cậu học trò thơ ngây ngày nào. Thời gian đến trường cũng hao hụt. Chính trong những ngày chơi quên đời đó, Tiến đã mắc vào “cái chết trắng”.
Một cuộc đời bị sa lầy
Con trai thay đổi hoàn toàn, thế nhưng cha mẹ Tiến hầu như không nhận ra điều gì. Chỉ đến khi Tiến bị bắt trong một đợt truy quét vũ trường, sau đó kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy, thì cha mẹ Tiến mới ngã ngửa là cậu con trai đã nghiện ngập, ăn chơi trác táng và bị đuổi học vì trốn học quá nhiều không bảo đảm bài vở.
Sang ở với cha để tiện “theo dõi”, ban đầu cha Tiến cũng bỏ ít thời gian để lo lắng chuyện cai nghiện cho con. Thế nhưng, thời gian sau, không chịu nổi cậu con trai vật vã mỗi khi lên cơn, lại hay thừa cơ bán đồ đạc trong nhà, trốn ra ngoài tìm thuốc, ông quyết định đưa con trai vào trại cai nghiện cho “rảnh thân”. Tiến bắt đầu biết đến trại từ đó.
Lần đầu tiên vào trại, Tiến cảm thấy đời mình thật tồi tệ. Cậu tâm sự, hồi đó cậu hừng hực quyết tâm và đã cai được sau sáu tháng. Thế rồi, trở về nhà, không có công ăn việc làm, bạn bè đã học đại học hết, chỉ còn chung quanh là những đứa vất vơ như mình. Cha thì bù đầu với công việc và vợ con mới, mẹ thì vẫn tất bật với những chuyến đi . Chán đời, Tiến lại một lần nữa sa vào nghiện, lại bị bắt trong một đợt truy quét. Rồi lại vào trại, lại cai , lại ra trại.
Lần thứ ba Tiến vào trại cai nghiện, gia đình coi như bỏ. Tiến kể, bốn tháng liền cha mẹ cậu chẳng ai vào thăm cậu ngày nào. Tiền phí vào trại vẫn đóng đủ, tiền xài thì hàng tháng có người làm đưa đến trại rất xông xênh. Tiến nói, thực ra, nếu cố gắng, em vẫn có thể cai dứt hoàn toàn rồi ra ngoài mà làm lại. Nhưng cứ nghĩ không biết ra ngoài kia rồi sẽ làm gì, sống sao, đi đâu về đâu… lại thấy chán nản. Thôi thì cứ tạm ở trại đi, trong này còn có nhiều bạn đồng cảnh, còn chia sẻ yêu thương nhau được.
Tiến nói rất thản nhiên, nhưng trong lời lẽ của cậu vẫn có chút gì như chua xót, như tiếc nuối cho một quãng đời đã qua. Nhìn vào cặp mắt còn trong trẻo chưa bị chất độc màu trắng tàn phá hoàn toàn, nhìn vào vẻ mặt thư sinh và cách nói chuyện của một cậu trai từng lễ phép, ngoan ngoãn kia, có lẽ ai cũng chạnh lòng thốt nên chữ “giá mà...”. Cuộc đời Tiến vẫn còn có thể cứu chữa được, vẫn còn làm lại được. Nhưng một khi cha mẹ cậu đã không dang đôi tay ra đỡ con mình đứng dậy, thì còn ai nữa bây giờ?