Lừa “thân giám đốc” để chạy việc
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Tấn Khương (24 tuổi, thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung, TP.Nha Trang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của Khương đều là những người nông dân nghèo, thiếu việc làm tại xã Diên Toàn (huyện Diên Khánh).
Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng giữa năm 2012, Khương quen chị Nguyễn Đỗ Quyên (24 tuổi, ở xã Diên Toàn) trong một lần đi chung xe, hai bên nảy sinh tình cảm. Trong thời gian tìm hiểu, cô gái thường đưa Khương đến nhà người thân.
Mỗi lần như vậy, Khương đều giới thiệu mình là tổ trưởng tổ sản xuất tại Nhà máy Nước giải khát Sanna thuộc Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa. Ngoài hứa xin việc cho người yêu, sau khi hai người kết hôn, Khương biết một số người thân của vợ đang rất cần công việc ổn định nên đã dựng màn kịch lừa đảo.
Nguyễn Tấn Khương |
Nạn nhân đầu tiên là chị Nguyễn Thị Thanh Diệu (29 tuổi, cùng xã Diên Toàn) là bà con của vợ Khương. Biết chị này cần việc, Khương nói công ty đang cần tuyển nhân viên, nếu đồng ý anh ta sẽ xin cho một “chân” trong bộ phận y tế, lương khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng, phí xin việc là 16 triệu đồng.
Chị Diệu mừng rỡ đồng ý, đưa trước cho Khương 14 triệu đồng, được hứa hẹn chậm nhất vào cuối tháng 8/2013 sẽ đi làm, đến lúc đó mới phải đưa nốt 2 triệu đồng còn lại. Để củng cố lòng tin, Khương còn khẳng định với nạn nhân “chắc chắn xin được” vì là người thân thiết với giám đốc công ty.
Cùng thủ đoạn trên, một người thân nữa của vợ Khương là chị Huỳnh Thị Quế Trân (29 tuổi, cùng nơi cư trú) cũng bị lừa. Chị này tường trình: “Khương hứa xin cho tôi vào bộ phận kiểm tra sản phẩm với giá 20 triệu đồng, ứng trước 10 triệu đồng. Hắn cũng hứa vào cuối tháng 8/2013 sẽ được đi làm. Số tiền 10 triệu đồng còn lại hắn sẽ nhận sau khi có quyết định chính thức. Nghe vậy tôi vô cùng mừng rỡ nên cuống quýt chạy tiền, nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó quá nên vay mượn mãi không đủ. Thấy thế, Khương lại nói giám đốc giảm giá còn 14 triệu đồng nên vợ chồng tôi phải vay mượn đủ một lần”.
Vào đầu tháng 7/2013, Khương nhận lời xin việc cho các anh Lê Xuân Lộc, Nguyễn Lê Vũ, Đặng Thanh Hà và Ngô Lê Bá Khâm (cùng ngụ xã Diên Toàn) vào làm tại công ty. Anh Đặng Thanh Hà thuật lại: “Gia đình chỉ có 3 sào ruộng nên thu nhập bấp bênh khiến đời sống của gia đình luôn gặp khó khăn. Nghe thông tin có người giúp đưa vào làm tại một doanh nghiệp trong huyện chỉ mất 15 triệu đồng, tôi đi vay mượn họ hàng với mong muốn có được việc làm ổn định. Đợi gần một năm không thấy doanh nghiệp gọi đi làm, lúc này mới biết mình bị lừa”.
Cam kết trả tiền nếu đổi ý
Các nạn nhân còn cho biết thêm: Khương nói là anh em thân tình với giám đốc nên chuyện xin việc làm rất đơn giản, nhưng dù sao cũng phải có chi phí. Anh ta còn cam kết chắc như đinh đóng cột nếu trong thời gian xin việc mà những người này đổi ý, không muốn đi làm thì sẽ trả lại tiền, còn nếu đã đi làm mà họ tự động xin nghỉ hoặc bị công ty đuổi việc sẽ trả lại 70 - 100% số tiền đã đưa. Thấy vậy, mọi người đều tin tưởng đưa tiền theo yêu cầu của Khương.
Trong số này, chỉ có anh Lê Bá Khâm sau đó thấy không tin tưởng nên chỉ sau hai ngày đưa tiền đã gọi điện đòi lại, Khương hẹn nhưng không thấy trả. “Sau nhiều ngày tự mình đi tìm Khương mà không thấy, tôi đã tạm giữ chiếc xe máy của hắn và yêu cầu hoàn trả lại toàn bộ số tiền thì sẽ giao lại xe máy. Hai tuần sau đó, Khương mang 15 triệu đồng trả lại và tôi cho mang xe máy về”.
Đến cuối tháng 8/2013, những người nhờ Khương xin việc vẫn không thấy công ty gọi đi làm nên gọi điện hỏi. Anh ta tiếp tục hẹn đến đầu tháng 9/2013. “Lời hẹn của Khương lần này khiến ai nấy đều như “ngồi trên đống lửa”. Dù nhiều người đã nghi ngờ bị lừa nhưng vẫn cố gắng tin với số tiền đã bỏ ra chạy việc, một ngày nào đó sẽ được công ty của Khương gọi đi làm” - một nạn nhân tường trình.
Sau nhiều lần dò hỏi, chờ đợi và lắng nghe những lời động viên, hứa hẹn, lúc thì “hồ sơ mới được Phòng Nhân sự xét duyệt xong”, khi thì “Quyết định tuyển dụng đã có, chờ Giám đốc đặt bút ký là xong”… đến giữa tháng 9/2013, bất ngờ Khương biến mất với tổng số tiền chiếm đoạt là 89,5 triệu đồng. Các nạn nhân tức giận đồng loạt gửi đơn đến cơ quan Công an huyện Diên Khánh tố cáo hành vi của Khương.
“Muối” mặt vì rước phải rể lừa
Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diên Khánh đã đến công ty mà Khương giới thiệu mình làm tổ trưởng để xác minh. Công ty này cho biết nhiều năm nay không có nhu cầu tuyển nhân viên và cũng không có ai tên là Nguyễn Tấn Khương. Căn cứ vào tài liệu thu thập, cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời kêu gọi đối tượng ra đầu thú. Sau nhiều tháng ròng lẩn trốn quyết định truy nã, Khương đã ra đầu thú vào ngày 19/3.
Về phần gia đình cô gái trót lấy phải kẻ lừa đảo cũng khốn khổ, sau khi sự việc xảy ra đã phải hứng chịu sự dè bỉu, dằn vặt của dư luận xã Diên Toàn. Mẹ cô gái chua xót: “Có ngờ đâu nó lại lợi dụng niềm tin của nhiều người đối với gia đình tôi để đi lừa bà con láng giềng. Giờ đây tôi không còn mặt mũi nào nhìn họ hàng thân thích nữa”.
Mẹ vợ Khương |
Thượng tá Nguyễn Thành Linh, Phó trưởng Công an huyện Diên Khánh cho biết: “Trong vụ án, đối tượng thực chất không hề có công ăn việc làm, nhưng rất xảo quyệt lợi dụng lòng tin của một số người để thực hiện hành vi lừa đảo. Nạn nhân đều là những người dân nghèo khó, bế tắc trong việc tìm kiếm việc làm để có thu nhập ổn định. Chúng tôi mong muốn qua vụ việc người dân cần cảnh giác trước các đối tượng không rõ nhân thân, lai lịch, hứa xin việc làm”.
Vị này cũng khuyến cáo: “Để phòng ngừa, người dân cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu rõ thông tin của các nhà tuyển dụng thường được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp nơi cần xin việc để tránh bị tiền mất, tật mang”./.