Một mẹ lập ba, bốn ngôi mộ
Người lập những ngôi mộ này không chỉ là những ông bố, bà mẹ đã kết hôn mà phần lớn là các bà mẹ trẻ, các học sinh, nữ sinh đang tuổi cắp sách đến trường. Đằng sau ngôi mộ ảo, ánh nến lung linh là câu chuyện buồn về những mối tình tuổi học trò, sinh viên. Trên diễn đàn này có không ít dòng tâm sự của các “bà mẹ nhí” đã chối bỏ mạng sống đứa con của mình:
“Vậy là hôm nay mẹ đã đưa được mộ của con lên rồi, vậy là mẹ đã dựng cho con được một ngôi nhà, tuy là hơi bé, nhưng mẹ mong con của mẹ sẽ thấy hạnh phúc và ấm cúng. Mẹ không mong con tha thứ cho mẹ, mẹ chỉ mong con hãy cho mẹ được làm mẹ của con, được gọi tên con mỗi ngày, được nhớ nhung, được yêu thương con. Con yêu ơi, lúc nào mẹ cũng nhớ con” - một cô gái trẻ “nói” với đứa con 2 tuần tuổi của mình.
Đôi khi, những người lập những ngôi mộ này không phải là mẹ ruột của những đứa trẻ, mà là những người thân, bạn bè của bố mẹ lập ra cho các em. “Dì của con, dì cho con vào đây để con có thể ở gần em và có thêm bạn bè. Mẹ con không biết chuyện dì gửi con vào đây, dì không muốn mẹ con bị ám ảnh mà dằn vặt thêm nữa. Con đừng trách mẹ con nhé, mẹ con cũng vì bắt buộc mới làm vậy thôi. Dì rất thương con, luôn yêu con!” - người chị của cô gái trẻ “nói” với đứa cháu 3 tuần tuổi của mình.
“Cô là bạn của mẹ bé con. Cô lập mộ cho con mong con luôn bình an và hạnh phúc ở nơi đây, con hãy xem cô như mẹ con, cô sẽ chăm sóc con thay cho bố mẹ con, vì bố mẹ con không biết điều này. Con hãy thông cảm và tha lỗi cho bố mẹ của con nhé, cô không biết vì lí do gì nhưng mọi lí do cũng đã là sai khi bỏ rơi các con.
Cô cũng như mẹ con, gây ra nhiều tội lỗi cho con của cô. Cô bù đắp lại điều đó dù nó quá muộn, nhưng cô muốn làm vì ít nhất ở nơi xa hai bé con của cô cũng sẽ ấm lòng hơn vì mẹ vẫn còn nhớ đến con, cô nghĩ bố mẹ con cũng vậy. Con đừng cảm thấy lạc lõng con nhé, đã có mọi người ở bên con” - một cô gái trẻ lập mộ cho con của bạn thân mình, bản thân em cũng có mộ của hai người con ở đây.
Nghĩa trang ảo này thể hiện một thực trạng, không ít bà mẹ chỉ mắc sai lầm một lần mà tới ba, bốn lần. Điều đó có thể thấy rõ khi cùng một lúc, họ lập ba, bốn ngôi mộ cho những sinh linh bé bỏng của mình cạnh nhau. “Mẹ xin lỗi các con của mẹ, bốn anh chị em hãy yên nghỉ, mẹ không đáng làm mẹ và có lẽ vì thế mà ông trời đã tước đi thiên chức làm mẹ của mẹ. Mẹ đang phải trả giá những gì mà mẹ đã làm với các con, đêm nào mẹ cũng gặp ác mộng. Các con hãy tha lỗi cho mẹ nhé!”, một cô gái trẻ nói chuyện với những đứa con hai đến sáu tuần tuổi của mình.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Người lớn đang ở đâu?
Trên diễn đàn này, nhiều vị khách đã ghé thăm và buông những lời chỉ trích trước lối sống buông thả, dễ dãi của các bà mẹ trẻ, nhưng không ít người cũng tỏ ra đồng cảm. “Con người ai cũng mắc sai lầm, nhưng quan trọng là biết đứng lên từ sai lầm của mình. Các con của chị mà biết chị đau buồn thế cũng sẽ không vui đâu, chị hãy đứng lên từ sai lầm đó chăm sóc thật tốt cho con mình sau này và đừng bao giờ để chuyện buồn này lặp lại”, một thành viên trong diễn đàn bình luận.
Phải thừa nhận rằng, “nghĩa trang online” đã phần nào giúp các bà mẹ tuổi teen giải tỏa được tâm lý và giảm bớt nỗi đau tinh thần sau những vấp ngã. Nhưng nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang có lối sống buông thả, thiếu kiến thức về giới tính, nhẹ dạ cả tin, dễ dãi trong “tình trường”. Sau những lần “nếm trái cấm” họ đã phải tự đi giải quyết hậu quả, rồi vào đây lập mộ cho con mình, mà không lường trước tác hại khôn lường từ việc phá thai gây ra.
Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, Việt Nam hiện là một trong 5 nước có phụ nữ phá thai cao nhất thế giới, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM cho biết, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong đó, có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên.
Cũng theo thống kê của Cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta, cứ 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai bị phá bỏ. Mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu trẻ em được sinh ra và tương ứng với đó là số bào thai bị phá bỏ. Đáng chú ý hơn cả là số trẻ vị thành niên nạo phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các quốc gia dẫn đầu về nạo phá thai.
Có vẻ như các bậc cha mẹ, người lớn vẫn thờ ơ với vấn nạn này. Hay nói cách khác, người lớn đang trốn tránh thay vì đối diện. Trong khi đó, để tránh các hệ lụy tình dục khi con trẻ yêu đương sớm thì việc làm cần thiết là cha mẹ nên chấp nhận các mối quan hệ tình cảm của con một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết.
Theo các chuyên gia giáo dục tâm lý, thà “vẽ đường” cho con chạy đúng đường còn hơn không vẽ để con chệch hướng, không mắng chửi, cấm đoán. Cha mẹ nên lắng nghe tâm sự của con cái về mối quan hệ của chúng để tháo gỡ khó khăn, khuyên nhủ chân thành và kịp thời giúp chúng có bản lĩnh vượt qua. Việc giáo dục giới tính cho con không chỉ là những giờ lý thuyết mà cần trở thành một cuộc trao đổi, hướng dẫn như những vấn đề bình thường trong cuộc sống./.