40 giây lịch sử
Vào năm 2008, khi đó Thảo vẫn là một chàng thanh niên trẻ gầy gò, ốm yếu. Được anh trai cho theo tập Boxing, từ đó Thảo yêu thích và gắn bó với bộ môn này đến nay. Ban đầu chỉ với ý định luyện tập sức khỏe nhưng khi tiếp xúc với môn võ này, anh nhanh chóng tìm thấy niềm đam mê mãnh liệt của mình.
Trên võ đài, Trần Văn Thảo sở hữu lối đánh cực kỳ linh hoạt với những pha né đòn uyển chuyển nhưng không kém phần mềm mại. Ngoài ra, anh cũng sở hữu những cú đấm đầy sức mạnh. Lối đánh của Thảo có nét tương đồng và mang phong cách đặc trưng của tay đấm huyền thoại Floyd Mayweather. Đó cũng chính là thần tượng lớn nhất trong sự nghiệp của anh, vì vậy anh còn được gọi là “Mayweather Việt Nam”.
Anh chia sẻ rằng mình yêu thích lối đánh của Floyd Mayweather và lấy những kỹ thuật đó cộng với các kỹ năng vốn có của bản thân để tổng hợp thành lối đánh riêng mang thương hiệu của “the trigger Trần Văn Thảo” hay còn gọi là chiếc cò súng.
Ở các đấu trường trong nước, anh đã giành được nhiều thành tích đáng nể, trong đó đáng chú ý nhất là chiếc đai vô địch của Đấu trường Thép 2016 và tấm HCV của Giải Boxing toàn quốc 2016. Khi đã thâu tóm được các danh hiệu lớn trong nước, bắt đầu nghĩ về đấu trường chuyên nghiệp quốc tế.
Để rồi, khi thời cơ chín mùi, anh có một quyết định táo bạo khi bước vào trận tranh đai WBC châu Á đầu tiên, mang tính bước ngoặt lịch sử của Boxing Việt Nam. Đó là vào cuối tháng 11/2017, võ sĩ Trần Văn Thảo bước vào trận đấu lịch sử với đối thủ George Lumoly (người Indonesia) trong trận tranh đai WBC châu Á, tổ chức tại Bangkok (Thái Lan). Ban đầu Trần Văn Thảo được xếp tranh đai với võ sĩ Trung Quốc là Su Yinhuan và trận tranh đai sẽ diễn ra vào ngày 30/11/2017, tuy nhiên do đối thủ gặp sự cố ngoài ý muốn nên tay đấm 25 tuổi Việt Nam được xếp đấu với George Lumoly.
So với Thảo, đối thủ người Indonesia George Lumoly có nhiều kinh nghiệm hơn khi đã từng thi đấu 12 trận (8 thắng, 3 thua, 1 hòa). Thông tin về đối thủ của Thảo dường như rất ít. Tuy nhiên, nhìn vào thành tích của Lumoly, có thể khẳng định đây không phải đối thủ “dễ xơi”.
Có thể nói, việc bước vào đấu trường chuyên nghiệp và lần đầu tiên tranh đai WBC châu Á là bước đi đầy táo bạo trong sự nghiệp của Trần Văn Thảo. Nếu dành chiến thắng ở trận so găng này, nó sẽ giống như một liều thuốc kích thích thêm tinh thần quyết tâm của các võ sĩ và khẳng định một điều rằng Boxing Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để đấu chuyên nghiệp.
Và thật bất ngờ, “Mayweather Việt Nam” chỉ cần 40 giây để hạ gục đối thủ, dành chiếc đai WBC châu Á. Ngay khi hiệu lệnh bắt đầu, Trần Văn Thảo đã chủ động phủ đầu đối thủ với những pha ra đòn liên tiếp. Và chỉ sau một cú móc trái, đối thủ đổ gục xuống sàn và ra dấu hiệu không thể thi đấu tiếp. Lúc này, các trọng tài đã xem xét tình hình của George Lumoly và quyết định dừng trận đấu ở giây thứ 40 của hiệp đầu tiên. Chiến thắng “knock-out” thuộc về võ sĩ Trần Văn Thảo. Khán giả ngỡ ngàng vì trận đấu diễn ra quá nhanh.
|
“Mayweather Việt Nam” chỉ cần 40 giây để hạ gục đối thủ, dành chiếc đai WBC châu Á |
Từ chiến thắng ngoạn mục đó, Trần Văn Thảo làm nên lịch sử boxing Việt Nam, là võ sĩ đầu tiên giành đai WBC châu Á. Hội đồng quyền Anh thế giới (WBC) là 1 trong 4 tổ chức quyền Anh hàng đầu thế giới, bên cạnh Liên đoàn quyền Anh quốc tế (IBF), Hiệp hội quyền anh thế giới (WBA) và Tổ chức quyền Anh thế giới (WBO). Đai WBC châu Á mà Trần Văn Thảo đạt được thuộc về Hội đồng quyền Anh châu Á, một nhánh của WBC (WBC Asian Boxing Council). Đai WBC châu Á có giá trị hơn WBC châu Á lục địa (WBC Asian Boxing Council Continental), WBA châu Á, WBO Viễn Đông và đai OPBF của Liên đoàn quyền Anh Viễn Đông và Thái Bình Dương, ngang ngửa WBO châu Á-Thái Bình Dương (WBO Asia-Pacific).
Là võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, Văn Thảo luôn vất vả với chế độ tập luyện khắc nghiệt. Trước trận đấu này, Thảo dành hơn 3 tháng để rèn luyện thể lực. Buổi sáng chạy “khởi động” 6 km, trước khi tập tăng cường với các bài tập tổng hợp: Đập búa vào bánh xe tải, đẩy xe tạ, hít xà, đập bóng... Trưa và chiều tập kỹ thuật nhưng nặng nhất là phải tập một lúc với 4-5 võ sĩ trong suốt 24 hiệp.
Mỗi tuần anh đều phải tập kiểu này 2 lần, với sự hỗ trợ của 3-5 võ sĩ nước ngoài hoặc các nhà vô địch trong nước, theo kiểu... “xa luân chiến”. Mỗi người thay nhau đấu với anh 4 hiệp, trong khi anh phải gồng mình duy trì thể lực để có thể trụ vững. Cả tuần tập luyện không lúc nào mặt mày anh không sưng, không chấn thương. Có lúc, anh đấu tập đến rách môi, gây khó khăn trong việc ăn uống.
Từ những ngày đầu gắn bó với boxing, với niềm đam mê cháy bỏng, chỉ sau một năm, khi mới 17 tuổi đã có chức vô địch quốc gia đầu tiên. Suốt mấy năm tiếp theo, cái tên Trần Văn Thảo liên tục được xướng lên trên các võ đài quốc gia.
Tuy nhiên, anh cũng có những kỷ niệm đáng quên, như vào năm 2014, Thảo gặp phải cú sốc lớn là bị xử thua tại giải đấu Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Tệ hơn nữa, Thảo bị chấn thương khá nặng khắp cơ thể. Tình hình sức khỏe không tốt khiến anh không thể tập luyện, cơ thể xuống dốc nhanh chóng. Gia đình khuyên Thảo nên bỏ thể thao để đi học nghề nhưng cảm thấy niềm đam mê boxing vẫn còn, Thảo thuyết phục gia đình cho thêm cơ hội.
Đầu năm 2015, Thảo tìm đến Saigon Sports Club, trung tâm chuyên dạy võ thuật tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh để tập luyện và theo đuổi quyền Anh chuyên nghiệp, với sự hỗ trợ của HLV Trịnh Văn Trí. “Hồi mới tập, ai nhìn cũng cười. Bởi Thảo là người mới, anh Trí cũng không giỏi huấn luyện. Hai anh em vừa tập, vừa học. Anh Trí là một người đam mê võ thuật nên dành thời gian nghiên cứu giáo án nước ngoài, rồi chỉ dẫn cho tôi tập luyện. Tôi phải tập luyện, ăn uống bắt buộc theo chế độ của chuyên gia. Ngày nghỉ cũng phải đến phòng tập “làm bạn” với găng tay, bao cát. Khi đã theo con đường chuyên nghiệp, tôi buộc phải đi đến thành công. Bằng không, công sức bỏ ra sẽ vô ích”, Thảo nói.
Ngay từ hồi ra mắt tháng 12/2015, anh gây tiếng vang bằng lối đánh lì lợm, né đòn chuẩn xác và sức bền đáng ngạc nhiên. Văn Thảo có sở trường là những cú đấm tay trước (tay trái). Với lợi thế chiều cao, anh tìm cách tận dụng tối đa những cú đấm thắng (jab) hay đấm móc (hook) bằng tay trước. Lối đánh của Thảo có nét tương đồng và mang phong cách đặc trưng của tay đấm huyền thoại Floyd Mayweather. Đó cũng chính là thần tượng lớn nhất trong sự nghiệp boxing của Thảo.
Chiến thắng và giành chiếc đai vô địch WBC châu Á chuyên nghiệp đã giúp Thảo nâng thành tích của mình lên 7 trận bất bại tại đấu trường chuyên nghiệp, trong đó có 5 trận “knock-out”.
HLV Trịnh Văn Trí cho biết: “Văn Thảo có đầy đủ tố chất của một huyền thoại võ thuật Việt Nam. Thảo luôn cố gắng học hỏi và chịu lắng nghe. Sau khi giành chiếc đai WBC châu Á, hiện tại, Thảo vẫn tiếp tục tập luyện 8 tiếng mỗi ngày để bảo vệ danh hiệu này.
Nhờ sự khổ luyện, Văn Thảo duy trì được mạch 12 trận bất bại và là võ sĩ đầu tiên hạ knock-out đối thủ chỉ trong một hiệp trong suốt lịch sử gần 20 năm của WBC châu Á. Thành tích của Thảo sẽ là một bàn đạp để boxing Việt Nam phát triển hơn nữa. Động lực để các võ sĩ Việt đi theo con đường chuyên nghiệp và bước ra đấu trường quốc tế”.
Tiếp tục chinh phục thử thách
Sau chiếc đai WBC châu Á, Trần Văn Thảo tiếp tục chinh phục thử thách mới, đó là hạ gục nhà vô địch Thái Lan Artid Bumrungauea. Với chiến thắng này, anh tiếp tục nối dài chuỗi trận bất bại của mình ở đấu trường chuyên nghiệp châu Á lên con số 11 vào chiều tối 27/4/2018 ngay trên sân nhà của đối thủ.
Ở trần đấu này, thậm chí “Mayweather Việt Nam” chỉ mất 4 hiệp trên tổng số 8 hiệp để hạ knock-out tay đấm đã có khoảng 40 lần thượng đài chuyên nghiệp. Tay đấm 33 tuổi này lúc đó đang xếp hạng 11 quốc gia và giữ đai vô địch tại Thái Lan. Sau chiến thắng, Hội đồng Boxing châu Á tuyên bố Trần Văn Thảo chính thức được vinh danh là “Võ sĩ châu Á của năm” trong Lễ trao thưởng được tổ chức tại Bangkok ngày 30/4/2018.
Trận thắng này còn giúp Thảo tăng ít nhất 6 bậc trên bảng xếp hạng thế giới và tăng đẳng cấp từ 2 sao lên 2,5 sao. Miêu tả chi tiết về trận thắng này của mình, võ sĩ Trần Văn Thảo nói: “Đối thủ của tôi rất mạnh và giàu kinh nghiệm. Đặc biệt anh ta hết sức lỳ đòn. Tôi chủ động chơi tấn công phủ đầu. Tôi đấm đau hết cả tay và cũng làm đối phương trúng nhiều đòn nặng vào mặt, máu chảy rất nhiều, nhưng anh ta chịu đòn rất cừ. Đến hiệp thứ 4, trọng tài quyết định dừng trận đấu để bảo đảm an toàn cho võ sĩ người Thái vì anh ta mất máu quá nhiều”.
Kiểm tra sau trận đấu, Trần Văn Thảo mới biết tin “sét đánh” rằng mình đã bị chấn thương bàn tay phải. Theo chẩn đoán ban đầu, võ sĩ này phải nghỉ ngơi ít nhất 1 tháng tùy theo mức độ của chấn thương. Điều này khiến anh bỏ lỡ một số kế hoạch tiếp theo.
|
Sau khi hồi phục chấn thương Trần Văn Thảo luôn nỗ lực tập luyện để trở lại sàn thi đấu và giành chiến thắng |
Cũng có mặt tại Thái Lan đồng hành cùng Trần Văn Thảo, ông Trịnh Văn Trí, HLV kiêm quản lý của Thảo, nhận xét về chiến thắng của học trò: “Tôi vừa vui vừa bất ngờ về khả năng thi đấu của Thảo. Dù đối thủ là nhà vô địch Thái Lan nhưng cậu ấy biết cách để giành chiến thắng một cách thuyết phục nhất. Thảo vượt trội đối thủ về kỹ năng và sức mạnh. Tôi tin rằng Thảo hoàn toàn có đủ khả năng thi đấu tại WBC thế giới. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi”.
Tuy nhiên, chấn thương dường như vẫn chưa buông tha anh, ngay trước thềm trận đại chiến với võ sĩ Trung Quốc, Trần Văn Thảo đã gặp tai nạn giao thông bất ngờ dẫn đến chấn thương chân.
Trần Văn Thảo có mặt trong buổi cân nặng và giáp mặt đối thủ Trung Quốc, Rongguo Wu vào chiều 17/5/2019. Nhưng lúc về, theo chia sẻ của võ sĩ này, do đường quá đông, anh đã sử dụng xe máy đi ra ngoài, và sau đó, gặp tai nạn. Thảo bị xe máy đè lên chân, bị bung khớp và giãn dây chằng.
Với tai nạn này, Thảo không thể thượng đài, so găng với Rongguo Wu ở sự kiện WBC châu Á diễn ra tối 18/5. Đây là trận đấu hiếm hoi mà người hâm mộ Việt Nam được chứng kiến Thảo thi đấu trên sân nhà. Tuy nhiên, vận đen khiến võ sĩ sinh năm 1992 lỡ cơ hội.
Theo chia sẻ của ông Trịnh Văn Trí, chấn thương của cậu học trò không quá nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến sự nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, ông trí cho biết Thảo sẽ trở lại thi đấu vào cuối năm. Tuy nhiên, phải mãi 5 tháng sau Thảo mới tiếp tục thượng đài với tay đấm Ponciana Remandiman (Philippines) ở sự kiện boxing Thanh thiếu niên châu Á vào tối 3/11/2019 tại Quận 7 (TP.Hồ Chí Minh). Đây cũng là trận đấu đánh dấu màn tái xuất của nhà vô địch WBC châu Á sau 18 tháng rời xa sàn đấu.
Theo so sánh, dù mới 22 tuổi, Ponciana Remandiman đã được đánh giá 2 sao, xếp hạng 75 thế giới và đang sở hữu chuỗi 8 trận thắng liên tiếp. Hồi tháng 4/2019, tay đấm này từng đánh bại đối thủ Renz Rosia để nắm trong tay chiếc đai vô địch Visayas của Philippines.
Vì thế, cuộc đối đầu với Ponciana Remandiman là thử thách không hề dễ dàng đối với Trần Văn Thảo, nhất là khi anh vừa trở lại sàn đấu sau 5 tháng điều trị chấn thương do tai nạn. Nhà vô địch WBC châu Á thừa nhận chấn thương bàn chân của anh chỉ mới hồi phục hơn 70%. Dù vậy, võ sĩ 27 tuổi vẫn tự tin bởi đây là lần đầu tiên anh được chơi một trận chuyên nghiệp trên sân nhà sau hơn 4 năm.
“Remandiman là một trong những võ sĩ hàng đầu ở Philippines, sở hữu sức mạnh và nền tảng thể lực cực tốt. Dù phải rời xa sàn đấu một thời gian dài, nhưng lần trở lại này, tôi được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh bởi được chơi trên sân nhà, dưới sự cổ vũ của người hâm mộ. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để có thể chiến thắng”, Trần Văn Thảo thể hiện quyết tâm.
Trở lại sau thời gian nghỉ chấn thương khá dài lại không nắm bắt được nhiều về đối thủ nên Trần Văn Thảo thừa nhận mình có phần hồi hộp khi bước vào trận. Hơn nữa chấn thương vẫn chưa hoàn toàn bình phục cũng khiến Văn Thảo kém linh hoạt hơn so với trước đây.
|
Trần Văn Thảo là tay đấm Việt Nam đầu tiên giành giành chiếc đai vô địch WBC châu Á chuyên nghiệp |
Thế nhưng kinh nghiệm, đẳng cấp của tay đấm từng đeo đai WBA châu Á đã giúp Trần Văn Thảo tạo thế trận cân bằng. Những cú đấm móc sở trường với lực mạnh và có độ chuẩn xác cao của Văn Thảo không ít lần khiến Ponciana Remandiman chao đảo.
Ở 2 hiệp cuối, Văn Thảo chơi rất hay với, dồn ép đối thủ bằng những cú đấm móc sở trường. Nhờ nỗ lực tấn công không biết mệt mỏi này đã khiến Ponciano bị hụt hơi và mấu chốt mang về chiến thắng cho tay đấm tài năng này. Đây cũng là chiến thắng thứ 12 trong sự nghiệp chuyên nghiệp của anh.
Dũng mãnh trên sân tuy nhiên ngoài đời, Văn Thảo là một con người hoàn toàn khác. “Võ thuật dạy cho mình phải điềm tĩnh trong mọi tình huống, đặc biệt không dùng võ thuật với người không tập võ. Nhờ đó, mình kiềm chế được bản thân khi phải đối mặt với nhiều rắc rối. Điều mình học hỏi nhiều nhất từ võ thuật là sự tôn trọng dành cho mọi người”, anh nói.