Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Bường: “Được phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng là điều tôi luôn tâm niệm lâu nay”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cha là liệt sĩ, bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng, ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thừa Thiên Huế từng lớn lên nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của Hội Phụ nữ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam).

Bản thân từng là người trong cuộc, nên ở ông có sự đồng điệu rất lớn trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Với ông, đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa còn là cách giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

TS. Nguyễn Văn Bường, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

TS. Nguyễn Văn Bường, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Tâm nguyện

Nhiều người đang công tác trong ngành Tòa án vẫn còn nhớ như in cảm giác xúc động trong buổi lễ kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) năm 2019, khi ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu. Câu chuyện mà vị chánh án kể hôm ấy, đã khiến nhiều người rưng rưng.

Bà nội ông Bường là Mẹ Việt Nam anh hùng. Cha ông, và cả người cô ruột của ông đều là liệt sĩ. Họ đã nằm xuống, góp giọt máu của mình cho công cuộc bảo vệ quê hương. Năm đó, khi cha hy sinh, ông Bường vẫn còn nằm trong bụng mẹ, chỉ mới tròn 2 tháng tuổi. Ông lớn lên đúng vào lúc đất nước còn gặp nhiều khó khăn do chiến tranh để lại.

Tuổi thơ ông là những tháng ngày lang thang khắp các ngõ phố mưu sinh, đi bán kem dạo, ngủ gầm cầu. Bản thân ông từng được Hội Phụ nữ thành phố Tam Kỳ nuôi dưỡng từ lúc học cấp hai cho đến khi hoàn thành xong những năm tháng Đại học. Tri ân những tấm lòng đã cưu mang mình trong những năm tháng khốn khó, khiến ông Bường luôn luôn tâm niệm trong công tác đền ơn đáp nghĩa.

Chất giọng trầm trầm, những lời chia sẻ xuất phát từ tận sâu trái tim đã chạm thật sâu vào những trái tim. Trên bục phát biểu, giọng nói vị chánh án cũng nghẹn lại. Có giọt nước mắt nóng hổi rớt xuống. Trời mùa hè đầy nắng. Tiếng ve lao xao trên những tán bằng lăng xanh ngắt lúm chúm những chùm hoa tím rịm trong sân tòa, làm dịu lại những trái tim bồi hồi.

Ông Nguyễn Văn Bường là Thẩm phán cao cấp, trước đây là Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Tháng 7/2019, ông Bường được bổ nhiệm làm Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ ở cương vị mới, việc đầu tiên mà ông quan tâm, là đề nghị với các ban ngành để được nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chanh (SN 1929, ngụ thị trấn Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) suốt đời.

Nguồn tài chính phụng dưỡng mẹ Chanh, do anh em cán bộ Tòa án cả hai cấp hợp sức, với mức kinh phí 1 tháng 1 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Bường cũng thành lập tổ chăm sóc đặc biệt, bao gồm các đồng chí đại diện Đảng ủy, Ban chấp hành các đoàn thể TAND tỉnh và TAND huyện Phong Điền để thường xuyên đến chăm sóc, động viên, chia sẻ cả về tinh thần lẫn vật chất, góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát, hy sinh của mẹ, để mẹ sống vui và khỏe đến cuối đời.

Hai mươi năm trước, bà nội ông Bường qua đời. Thời kỳ đó, đất nước vẫn còn khó khăn, nên bà nội ông, cũng là Mẹ Việt Nam Anh hùng, phải sống trong điều kiện khó khăn, chưa nhận được sự chăm sóc tốt. Đó cũng chính là sự tiếc nuối rất lớn trong lòng ông.

Cái ý niệm được phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, tri ân những người có công với đất nước, ông Bường đã ấp ủ lâu nay. Nhưng điều kiện công tác chưa cho phép để ông thực hiện. Phải đến khi bắt đầu công tác ở đơn vị mới, ông Bường mới có cơ hội thực hiệm tâm nguyện của mình.

“Tôi đã rất vui, khi ý kiến phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng của mình vừa nêu ra, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của tất cả cán bộ công nhân viên chức của cả hai cấp tòa án. Bản thân tôi là người trong cuộc, nên có sự đồng cảm rất lớn trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Vì vậy, khi điều kiện cho phép, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, tri ân với những người đã hy sinh vì tổ quốc”, ông Bường chia sẻ.

Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chanh nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ (27/7).

Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chanh nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ (27/7).

Ông Vũ Văn Minh, Phó Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế nhớ lại, hôm cùng Chánh án Bường và đại diện cán bộ của tòa về thăm ông Huỳnh Kim Đào, cán bộ của tòa đã nghỉ hưu, cũng là thương binh, từng tham gia kháng chiến tại chiến trường Campuchia. Ông Minh nhớ mãi ánh mắt ông Bường, khi nhìn căn nhà của người thương binh già. Căn nhà xây đã lâu, nhưng vẫn chưa có điều kiện để tô quét. Những mảng tường xi măng nham nhở trở nên bức bối trong một chiều tháng bảy oi nồng mùi nắng.

Sau khi trở về, ông Bường canh cánh mãi. Ông quyết định chia sẻ một phần thu nhập từ tiền lương, tiền giảng dạy của mình (hiện ông Bường đang tham gia giảng dạy thạc sĩ tại trường Đại học Luật, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, ngồi hội đồng bảo vệ, chấm luận văn…) để giúp ông Đào sửa sang và tô quét lại ngôi nhà, với kinh phí là 50 triệu đồng. Số tiền không lớn, nhưng gói ghém trong đó biết bao tình cảm mà ông Bường dành cho người đồng nghiệp cũ.

Là con liệt sĩ, nên ngày 27/7, ông Bường cũng được cơ quan tặng một phần quà, như là cách tri ân đối với những hy sinh, mất mát mà ông và gia đình đã gánh chịu. Ông Bường trân trọng nhận lấy món quà, nhưng đã xin phép chia sẻ lại món quà ấy, cho người cán bộ có hoàn cảnh khó khăn hơn, cũng là con liệt sĩ, đang công tác tại TAND huyện Phú Lộc.

“Tôi thật sự cảm kích trước sự quan tâm chia sẻ của đồng chí Bường. Sự quan tâm, sẻ chia ấy, không chỉ đối với cán bộ nhân viên đang công tác tại tòa, mà ngay cả những cán bộ đã về hưu gặp khó khăn, cũng luôn được anh ưu tiên giúp đỡ trong khả năng của mình”, ông Vũ Văn Minh, Phó Chánh án TAND tỉnh bày tỏ.

Sửa nhà cho mẹ VNAH

Ông Nguyễn Văn Bường nhớ lại, lần đầu tiên ra thăm mẹ Chanh, nhìn căn nhà ba gian của mẹ đã xuống cấp, ông thấy lòng mình nhói lên. Tường vôi bong tróc. Những vết rêu xanh ố nhòe loang lỗ trên những mảng tường cũ kỹ không còn nhận ra màu sơn. Nền xi măng đôi chổ đã có vết nức. Ông Bường nghĩ, nhất định phải sửa sang lại để nhà mẹ được khang trang hơn.

Lễ nhận phụng dưỡng mẹ VNAH Nguyễn Thị Chanh

Lễ nhận phụng dưỡng mẹ VNAH Nguyễn Thị Chanh

Mẹ Nguyễn Thị Chanh có chồng tham gia kháng chiến chống pháp, hy sinh vào năm 1954. Chồng của mẹ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Sau khi chồng mất, mẹ một mình tần tảo nuôi hai đứa con. Theo tiếng gọi thiên liêng của tổ quốc, con trai mẹ cũng theo bước người cha đã khuất, lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, con trai mẹ đã ngã xuống, để lại nỗi đau vô hạn trong lòng mẹ, mãi mãi không phôi pha. “Chỉ còn 4 ngày nữa thôi, là đất nước hoàn toàn giải phóng, mà con của mẹ không chờ được”, giọt nước mắt già nua lặng lẽ rớt xuống gương mặt nhăn nheo nhuốm màu sương gió của mẹ. Phải đến năm 2014, Mẹ Nguyễn Thị Chanh mới được Nhà nước công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tòa án hai cấp chưa kịp lên kế hoạch sửa nhà cho mẹ, thì bão lụt đột ngột kéo qua. Nhận được thông tin từ tổ chăm sóc đặc biệt, ngay khi nước rút, ông Bường cùng cán bộ Tòa án lập tức ra thăm mẹ. Lúc cõng mẹ từ nơi tránh bão về, đập vào mắt vị Chánh án là căn nhà xơ xác giữa cái nắng hanh hao mùa đông. Mái nhà bị bão cuốn đi. Những tấm tôn nằm xô nghiêng trong vườn. Bàn thờ nghiêng ngã, ướt nhẹp nước mưa.

“Cần phải sửa sang lại nhà cho mẹ ngay”, ông Bường nói với cán bộ Tòa án. Ngay sau đó, Đoàn Thanh niên lên kế hoạch, để sửa sang nhiều hạng mục khi thời tiết thuận lợi. Công trình được các đoàn viên của Tòa án hăng hái thực hiện trên tinh thần xung kích. Ngoài lợp lại mái nhà, chi đoàn còn tiến hành đóng gạch men mới để gia đình mẹ thuận tiện sinh hoạt vì nền nhà cũ đã xuống cấp nặng sau sơn bão. Tường nhà cũng được quét vôi mới, sáng, sạch hơn.

Đoàn Thanh niên Tòa án hai cấp sửa lại nhà cho mẹ VNAH Nguyễn Thị Chanh

Đoàn Thanh niên Tòa án hai cấp sửa lại nhà cho mẹ VNAH Nguyễn Thị Chanh

Nhìn ngồi nhà được sửa sang khang trang sạch sẽ hơn, bà Võ Thị Bồng (70 tuổi, con gái mẹ Chanh) chia sẻ, hôm đoàn thanh niên của Tòa về sửa lại nhà cho mẹ, bà vui đến rớt nước mắt. Niềm hạnh phúc ấy len lõi vào tận giấc ngủ. “Suốt nhiều đêm tui không tài nào ngủ được. Mất ngủ vì vui, vì biết được lãnh đạo Tòa án, cùng cán bộ nhân viên của Tòa, chia sẻ khó khăn với gia đình”.

Hồi trẻ, bà Bồng và mẹ mình, lấy sông Ô Lâu làm nơi mưu sinh. Hết rớ tôm, rớ cá thì lặn rong bán lấy tiền. Chồng bà Bồng bị mù, nên không đỡ đần được nhiều cho việc mưu sinh trong nhà. Ở tuổi 70, bà Bồng suốt ngày quanh quẩn trong nhà, chợ búa, cơm nước, chăm sóc mẹ Chanh năm nay đã bước qua tuổi 92.

Ông Nguyễn Chu (70 tuổi), con rể mẹ Chanh cho biết, nhiều năm qua, gia đình cũng được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và cả bà con lối xóm thường xuyên quan tâm, động viên giúp đỡ. Gia đình cũng nhận đầy đủ các chế độ, chính sách. Dẫu vậy, mẹ ông tuổi ngày càng cao, hay đau ốm, gia đình cũng còn khó khăn, nên khi nhận được sự quan tâm, phụng dưỡng Mẹ đến từ cán bộ ngành Tòa án, ông cùng gia đình vô cùng mừng.

Tháng 7, tháng của sự tri ân, tháng của sự đền ơn đáp nghĩa. Chánh án Nguyễn Văn Bường lại cùng các cán bộ của tòa về Phong Điền thăm Mẹ. Mẹ Chanh dẫu vẫn còn minh mẫn, nhưng tai đã lãng đi nhiều, nên câu chuyện trò đôi lúc lại bị ngắt quãng.

Có cái nắm tay thật chặt đầy sự sẻ chia, sự biết ơn sâu sắc trong buổi chiều tà đã nhạt màu con nắng. Người về người ở, chỉ có sự ấm áp là ở lại mãi, trong tim người.

Đọc thêm