Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 8.588 ha chè, sản lượng trên 71.700 tấn/năm. Cùng với những giống chè truyền thống, tỉnh đã đưa vào trồng nhiều giống chè đặc sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao như Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên, phát triển các vùng chè cổ như chè shan tuyết. Đến nay, diện tích chè lai, chè đặc sản chiếm trên 60% tổng diện tích. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những làng chè thơm ngon có tiếng như chè Kim Tuyên, Ngọc Thúy của HTX chè Sử Anh ở xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn…
Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, thôn Tân Thành, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, chè ngon đầu tiên phải nói đến giống chè, sau đó là chất đất, thổ nhưỡng, khí hậu. Nền tảng tốt của HTX chè Sử Anh đó là có vùng nguyên liệu sạch. Tổng diện tích nguyên liệu là 60 ha chè, được trồng bằng các giống chè Ngọc Thúy, Bát tiên, LDP1, sản lượng đạt 125 tấn nguyên liệu. Toàn bộ diện tích được áp dụng theo quy trình nông nghiệp tốt, trong đó có 25 ha đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
|
Anh Nguyễn Công Sử bên các sản phẩm chè đạt sao OCOP của HTX |
Cùng với đó điều kiện thổ nhưỡng tại vùng chè Mỹ Lâm, Mỹ Bằng của HTX khá phù hợp để các giống chè Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên… phát huy được độ đậm đà, vị ngọt hậu nơi đầu lưỡi sau uống và mùi hương dễ chịu. Đây là những nền tảng ban đầu rất cần thiết để mỗi sản phẩm nông nghiệp muốn khẳng định trên thị trường.
Trong các tỉnh miền núi phía Bắc, cùng với Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang được coi là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn. Sản lượng chè trên 65.000 tấn búp tươi/năm. Cây chè rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Nhiều vùng gò đồi được bà con chuyển sang trồng chè rất thích hợp. Diện tích hàng năm vẫn được mở rộng, cho thấy cây chè ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 45 cơ sở chế biến chè. Một làng nghề chè điển hình như HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, được thành lập năm 2017, với 7 thành viên. Diện tích vùng nguyên liệu hiện nay trên 60 ha chè, HTX đã hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm trên 100 hộ dân, năm 2020 HTX có 7 sản phẩm tham gia chương trình OCOP đã được cấp chứng nhận trong đó 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao: “Chè Xanh Phú Lâm Đinh, Chè Xanh Phú Lâm Nõn, Chè xanh Phú Lâm” và 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao: “Chè Xanh Ngọc Thúy Đinh, Chè Xanh Ngọc Thúy Nõn, Chè Xanh Ngọc Thúy, Trà Xanh Ngọc Thúy (cấp đông).
|
Năm 2021, HTX tiếp tục hoàn thiện hồ sơ hai sản phẩm tham gia nâng hạng lên 5 sao, đã được cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chứng nhận VietGap. Năm 2019, HTX nghiên cứu thành công sản phẩm Trà xanh Ngọc Thúy cấp đông (đây là sản phẩm mới độc quyền). Năm 2021, sản phẩm Trà xanh Ngọc Thuý (cấp đông) đạt giải nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang và được lựa chọn dự thi tiếp hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn Quốc năm 2021. Điều đó chứng tỏ chất lượng chè xứ Tuyên ngày càng được khẳng định, thương hiệu đang ngày càng bay xa.
Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, các sản phẩm của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã và đang được thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định đón nhận. Nhiều sản phẩm đã đủ tiêu chuẩn để đưa vào hệ thống siêu thị. Sản phẩm chè của HTX chè Sử Anh đã sử dụng tem điện tử mã cốt QR để truy xuất nguồn gốc. HTX chè Sử Anh là điểm sáng trong chương trình OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Từ cách làm của HTX sẽ giúp nâng cao ý thức làm nông nghiệp tốt, nông nghiệp có nguồn gốc của người nông dân và các tổ chức, cá nhân.
Thưởng thức chè là một nét văn hóa độc đáo. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè rất quan trọng. Từ đó, góp phần tạo sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. So với các sản phẩm chè nổi tiếng ở Thái Nguyên, Hà Giang… thì thương hiệu chè của Tuyên Quang còn khiêm tốn. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng, Tuyên Quang đang có những sản phẩm chè chất lượng và được thị trường đón nhận, dần khẳng định thương hiệu Chè của xứ Tuyên trong vị thế của ngành chè trong nước.