Chỉ cho phép kiểm tra các doanh nghiệp một lần/năm

(PLO) - Qua khảo sát, doanh nghiệp phản ánh 2 vấn đề bức xúc đó là bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều lần và trong một số trường hợp bị hình sự hóa dù mức độ chưa thỏa đáng. 
Ảnh minh họa từ internet.

Do vậy, tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức về Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 (Nghị quyết 35/2016) diễn ra ngày 27/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà khẳng định, Nghị quyết 35 chỉ cho phép kiểm tra các DN một lần/năm, nếu quá thì DN có quyền không tiếp. Nhưng kiểm tra thì không cố định và thậm chí không cần có chương trình từ trước.

Hạn chế “nhũng nhiễu” doanh nghiệp

Để giải quyết vấn đề đang gây “nhức nhối” của DN, ông Lê Mạnh Hà cho biết: “Lần đầu tiên chúng ta đưa ra trong Nghị quyết là DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế; không hình sự hóa cũng là điểm được hoan nghênh, từ nguyên tắc đến giao nhiệm vụ cho Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành... Thanh tra, kiểm tra chỉ được thực hiện 1 lần 1 năm. Nếu các tỉnh, thành ký cam kết và thực hiện đúng thì tình hình sẽ khác hẳn”. Ông Hà cho biết thêm, DN có quyền từ chối tiếp các đoàn thanh tra nếu đã bị thanh tra. Còn đối với yêu cầu kiểm tra, DN có quyền khiếu nại hoặc phản ánh đến Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, khi đưa ra quy định kiểm tra, thanh tra tối đa 1 lần/năm liệu có quá ít dẫn đến tình trạng bỏ lọt, sót những DN sai phạm (?). Lý giải điều này, ông Hà cho biết, cần đặt niềm tin vào các DN. Số DN  của Việt Nam đã lên đến con số hơn 500 nghìn, vì thế không thể thanh, kiểm tra thường xuyên được. Theo ông Hà, trong trường hợp thanh tra, kiểm tra mà phát hiện họ có dấu hiệu vi phạm thì sẽ xử lý các bước tiếp theo bằng những nghiệp vụ khác nhau. Quy định trên của Nghị quyết 35 nhằm hạn chế tối đa việc kiểm tra những DN hoạt động bình thường, minh bạch.

Giải thích rõ thêm Nghị định, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, quy định này để hạn chế sự lạm dụng gây phiền hà cho  DN chứ không phải bao che, dung túng cho vi phạm của DN. “Chúng ta cũng phải hướng đến sự quản lý như ở các nước: tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. DN có thể bị kiểm tra thông thường theo kiểm tra liên ngành, bên cạnh đó cơ quan điều tra đến kiểm tra DN bất cứ lúc nào nếu DN có dấu hiệu vi phạm”- ông Đông nói.

Doanh nghiệp “gánh” quá nhiều phí cao

Thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có nhiều cuộc điều tra về những chi phí không chính thức của các doanh nghiệp. Qua điều tra cho thấy, đa số các doanh nghiệp cho biết họ phải “bôi trơn” chủ yếu liên quan đến các thủ tục kinh doanh có điều kiện. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, chi phí quá nặng kiến DN “yếu” đi. 

DN phải “cõng” rất nhiều loại phí cao như: thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí giao thông,… “Thuế, phí hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận của DN, đó là mức cao so với khu vực. VCCI đang tiến hành nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ cải thiện vấn đề này”, bà Hằng cho biết. Đánh giá về tình trạng trên, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng: “DN mất năng lực cạnh tranh ngay từ các loại phí này. Năng lực cạnh tranh của quốc gia một phần lớn dựa vào năng lực cạnh tranh của DN, nếu DN mà không còn lợi thế cạnh tranh thì không thể có năng lực cạnh tranh quốc gia”./.

Đọc thêm